Một châu Á Thái Bình Dương dậy sóng khi tất cả các nước trong khu vực đều tỏ ra lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc đang buộc những nhà phân tích phải nghĩ tới một kịch bản xấu nhất. Đó là một cuộc đọ sức tổng lực trên biển.
Dù một số quốc gia như Mỹ hay Nhật Bản đang cố gắng thiết lập các thỏa thuận hợp tác quân sự, thì việc có thể thiết lập một lực lượng quân sự đa quốc gia chống lại Trung Quốc bất cứ lúc nào là điều không dễ xảy ra. Và một cuộc chiến trên biển nếu xảy ra, vẫn phụ thuộc vào tiềm lực hải quân của mỗi nước. Để có thể trở thành bá chủ châu Á Thái Bình Dương trên biển, hải quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với ít nhất ba đối thủ nặng ký, là hải quân Mỹ, hải quân Nhật và hải quân Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định họ sẽ là đối thủ nặng ký nhất của hải quân Trung Quốc trong tương lai.
Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi bình luận về sự đối trọng cần thiết về quân sự với Trung Quốc trong tương lai đã cho rằng, để có thể trở thành đối trọng thực sự về lâu dài đối với hải quân Trung Quốc thì chỉ có thể là Ấn Độ. Cả Mỹ lẫn Nhật Bản đều có những hạn chế lớn và ít có thuận lợi hơn Ấn Độ trong vấn đề này. Hải quân Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới, nhưng vị trí siêu cường trên toàn cầu của họ buộc nước này phải phân tán những hạm đội của mình ra khắp các đại dương và không thể có được phản ứng tức thời với quy mô lớn.
Tương tự như vậy là Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại hạm đội Nhật đang được đánh giá cao hơn Trung Quốc, việc sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất trong nhiều lĩnh vực của hải quân cũng khiến Nhật Bản có thể trở thành một trong những quốc gia có hải quân hiện đại và mạnh mẽ nhất thế giới. Nhưng về lâu dài Nhật Bản sẽ khó có thể bì lại được tiềm lực so với Trung Quốc.
Vì thế, về lâu dài chỉ có Ấn Độ là có thể trở thành đối trọng đối với hải quân Trung Quốc trong khu vực. So về tiềm lực và các thế mạnh về kinh tế Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc để đọ sức trong một cuộc chạy đua kéo dài. So với Trung Quốc, Ấn Độ thậm chí còn có nhiều lợi thế hơn trong việc phát triển hải quân. Trung Quốc tiếp giáp với nhiều láng giềng hùng mạnh cả về lục quân lẫn hải quân, như Ấn Độ ở phía Tây, Nga ở phía Bắc, Hàn Quốc và Nhật Bản ở phía Đông. Chi phí đầu tư và lực lượng quân sự của Trung Quốc vì thế phải dàn trải ở hầu khắp các mặt, chứ không thể tập trung ở mức độ cao. Ấn Độ không phải đối mặt với tình thế này.
So với Trung Quốc, Ấn Độ có ít mối đe dọa trên lục địa hơn, còn trên đại dương thì người Ấn gần như không có đối thủ hay bất cứ mối đe dọa nào ít nhất là trên toàn bộ Ấn Độ Dương. Điều này cho phép New Delhi có thể dồn nhiều tiềm lực hơn cho hải quân của mình. Và thực tế là ở thời điểm hiện tại, hải quân Ấn Độ đang trội hơn hải quân Trung Quốc ở khá nhiều lĩnh vực. Mà một trong số đó là các tàu sân bay – vũ khí được xem như biểu tượng cho sức mạnh của hải quân.
So với Trung Quốc, Ấn Độ sở hữu tàu sân bay và công nghệ đóng tàu sân bay sớm hơn rất nhiều. Ấn Độ không bị ảnh hưởng bởi những lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây như Trung Quốc, và 2 trong số 3 tàu sân bay nước này sở hữu trong nhiều năm qua đến từ việc mua của Anh và Liên Xô. Mối quan hệ tốt với các cường quốc sở hữu công nghệ chế tạo tàu sân bay hàng đầu thế giới như Anh và Mỹ đã giúp cho Ấn Độ có một trình độ cao trong việc đóng chủng loại vũ khí này.
Trung Quốc sau khi có được tàu sân bay đầu tiên khi mua về theo đường phế liệu, đã có thể đóng tàu sân bay bằng cách copy lại theo mô hình con tàu đã cũ nát này, trong khi đó Ấn Độ đã bắt đầu có khả năng tự chế tạo các tàu sân bay mới theo ý tưởng và công nghệ của riêng mình mà không phụ thuộc vào mẫu trước đó. Trong dự án tăng cường sức mạnh cho hải quân Ấn Độ, con tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này đã hạ thủy, là tàu INS Vikrant, có trọng lượng khoảng 65.000 tấn. Với dự án này, biên chế tàu sân bay trong hải quân Ấn Độ có thể lên tới 6 tàu vào năm 2017, đưa Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia sở hữu hạm đội tàu sân bay mạnh nhất trên thế giới.
Gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không thể bì kịp với Ấn Độ trong việc sở hữu lực lượng tàu sân bay trong hạm đội của mình. Điều này xuất phát từ đặc điểm chiến lược riêng của mỗi nước. Các vùng biển của Trung Quốc bị vây quanh bởi các quốc gia mạnh về hải quân như Nhật Bản hay Việt Nam, đòi hỏi Trung Quốc phải xây dựng các lực lượng hải quân hỗn hợp để ứng phó. Hạm đội Trung Quốc vì thế thiên về khả năng tác chiến trong các khoảng cách địa lý trung và ngắn hạn. Ấn Độ không bị ràng buộc bởi các vấn đề này khi họ gần như không có mối đe dọa nào đáng kể trong khu vực Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ vì thế hướng tới chiến lược phát triển khả năng tác chiến xa bờ, giống như Mỹ, mà trọng tâm trong chiến lược đó là các tàu sân bay quy mô lớn.
Không chỉ vượt trội về số lượng, mà chất lượng của các tàu sân bay Ấn Độ cũng đang trội hơn tàu của Trung Quốc khá nhiều. Ấn Độ sở hữu nhiều công nghệ tối tân hơn trong việc sản xuất các tàu sân bay do mối quan hệ hợp tác quân sự với các cường quốc chế tạo loại vũ khí này như Anh và Mỹ. Mỹ nhận thức được vai trò của hạm đội Ấn Độ trong việc ứng phó với Trung Quốc, cũng đang đề xuất bán cho Ấn Độ những thiết bị tối tân nhất trang bị trên các tàu sân bay, điển hình là hệ thống EMALS sẽ giúp các phi cơ trên tàu sây bay Ấn Độ xuất phát tốt hơn và có tầm tác chiến rộng hơn. Không nghi ngờ gì việc nếu xung đột có xảy ra trên biển Đông, hạm đội tàu sân bay của Ấn Độ có thể tham chiến bất cứ lúc nào và trở thành mối đe dọa lớn nhất với hải quân Trung Quốc. Một cuộc đọ sức xa bờ sẽ là một thảm họa với hải quân Trung Quốc khi phải đối mặt với hạm đội tàu sân bay hùng mạnh như của Ấn Độ.
Nhàn Đàm (theo The Diplomat)