Các chuyên gia cho rằng việc ngưng thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Sửa đổi Thông tư 06, hầu hết các doanh nghiệp BĐS có thể hưởng lợi

Sơn Lam | 26/08/2023, 16:32

Các chuyên gia cho rằng việc ngưng thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư 06 sẽ được tạm ngưng thay vì áp dụng từ 1.9.2023.

Cụ thể, những nhu cầu vốn không được phép cho vay theo khoản 8, 9 và 10 của Thông tư 06 bao gồm: Để góp vốn, mua phần góp vốn của công ty tư nhân và công ty cổ phần chưa đăng ký giao dịch trên UPCOM; góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; để bù đắp tài chính, trừ trường hợp đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Đánh giá tác động của Thông tư 10/2023, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.

bds-tt-1.jpeg
Doanh nghiệp BĐS có thể hưởng lợi từ việc ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06

Ngoài ra, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua BĐS chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.

Đơn vị này cũng cho rằng điều này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới. Hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều có thể hưởng lợi từ thông tư này.

Về tác động đến ngành ngân hàng, ACBS cho rằng các điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6).

Trên thực tế, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao. Trong khi đó, thông tư mới ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực BĐS.

Tại thời điểm cuối tháng 6.2023, các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS và xây dựng cao bao gồm TCB (35,5%), LPB (31,6%), SHB (27,3%), VPB (22,5%), HDB (19%) và MSB (17,9%).

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc ngưng thi hành khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn, góp vốn thực hiện các dự án.

“Các ngân hàng thương mại sẽ tự quyết lợi ích, rủi ro để xác định việc có hay không cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Thịnh nói và cho rằng các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp mình.

Còn TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng nhiều doanh nghiệp BĐS, nhiều ý kiến phản ánh rằng việc tiếp cận vốn rất khó khăn và Thông tư 06 sẽ khiến việc tiếp cận vốn càng thêm khó. Dù vậy, ông cho rằng việc kiểm soát tín dụng vào BĐS là cần thiết.

“Không đâu trên thế giới doanh nghiệp BĐS làm giàu nhanh và nhiều như ở Việt Nam. Một thời gian dài, không ít doanh nghiệp BĐS làm ăn không bài bản, kiểu mượn đầu heo nấu cháo”, ông Nhân nói và dẫn ví dụ thực tế có những doanh nghiệp huy động vô tội vạ vốn trái phiếu để triển khai cùng lúc tới 30 dự án.

Ông Nhân cho rằng trong điều hành chính sách cần công bằng giữa các doanh nghiệp chứ không nên thiên lệch với nhóm doanh nghiệp nào. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đầu tư bài bản, đáp ứng đủ điều kiện vẫn có thể tiếp cận được vốn, còn những doanh nghiệp làm ăn không chuẩn chỉnh sẽ gặp khó.

bds-tt-2.jpeg
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng các doanh nghiệp rất vui mừng vì NHNN vừa ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng thực hiện một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Châu cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác. Theo đó, HoREA đề nghị NHNN lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1.10.2024.

Theo quy định tại Thông tư 22 ngày 1.10.2023, tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là quy định này có hiệu lực.

Ông Châu cũng đề nghị NHNN xem xét cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa đổi Thông tư 06, hầu hết các doanh nghiệp BĐS có thể hưởng lợi