Một số nhà máy Trung Quốc chưa hoạt động hết công suất sau khi nước này bãi bỏ loạt hạn chế chống dịch COVID-19.

Sức ép lớn với các nhà máy Trung Quốc khi nhu cầu tại Mỹ giảm

Cẩm Bình | 10/02/2023, 10:15

Một số nhà máy Trung Quốc chưa hoạt động hết công suất sau khi nước này bãi bỏ loạt hạn chế chống dịch COVID-19.

Jay Foreman - Giám đốc điều hành hãng sản xuất đồ chơi Mỹ Basic Fun - cho biết tất cả nhà máy mà công ty hợp tác tại Trung Quốc (khoảng 20 nhà máy) yêu cầu công nhân không lập tức quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đó là do lượng hàng tồn kho khổng lồ nửa đầu năm ngoái không bán được hết, lạm phát tăng mạnh trong mùa hè lẫn mùa thu khiến sức mua người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc chính thức kết thúc vào ngày 27.1, nhưng thời gian cho lao động về lại nơi làm việc kéo dài đến ngày 15.2. Đây là dịp duy nhất hơn 170 triệu lao động nhập cư có thể về thăm nhà.

“Mọi nhà máy tôi trò chuyện đều nói lượng lao động của họ trong năm nay sẽ ít hơn năm ngoái”, Giám đốc Foreman cho biết. Ông hy vọng nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng lên vào cuối năm.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu mặt hàng đồ chơi, trò chơi, thể thao chiếm khoảng 6% tổng xuất khẩu sang Mỹ. Trong năm 2022 xuất khẩu đồ chơi giảm nhẹ.

Nhà phân tích Johan Annell (Công ty tư vấn Asia Perspective) chỉ ra: “Bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề vì hàng tồn kho nhiều cộng thêm nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu giảm mạnh”. Hàng điện tử tiêu dùng cũng gặp tình trạng tương tự như đồ chơi.

Trung Quốc đã bãi bỏ loạt hạn chế chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt vào tháng 12, sau khi các hoạt động kinh doanh bị hạn chế trong hầu hết năm 2022.

succhina.jpg
Bên trong một nhà máy tại tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Nhu cầu tại Mỹ

Doanh số bán lẻ tại Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - tăng chậm lại trong vài tháng qua. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hầu như không tăng trong năm 2022, nền kinh tế Mỹ năm 2023 dự kiến tăng trưởng thấp.

Giám đốc Công ty dệt may Green Willow Textile (Giang Tô) Ryan Zhao nói với CNBC: “Chúng tôi kỳ vọng bản thân sẽ tiếp tục phát triển, nhưng sức ép lại rất lớn. Những gì chúng tôi nghe được là năm 2023 sẽ khó khăn. Nhu cầu tại Mỹ giảm, cuộc chiến tại Ukraine chưa kết thúc”.

Vài đơn hàng từ Mỹ đã không còn. Một thương hiệu hàng dệt may và chăn ga gối đệm cao cấp ở New York hợp tác với Green Willow Textile nộp đơn phá sản vào năm ngoái.

Để tồn tại trong thị trường ngày càng thu hẹp, công ty chuyển sang sản xuất hàng giá rẻ phổ biến với người tiêu dùng trẻ tuổi. Như vậy họ cần bán được nhiều hàng hơn mới tăng được doanh thu. Zhao dự tính vài tháng tới tuyển thêm 10 lao động bổ sung cho nhà máy 30 người hiện tại.

Tháng trước, giới chức hải quan Trung Quốc thừa nhận xuất khẩu nước này chịu áp lực lớn vì nhu cầu bên ngoài giảm và rủi ro với kinh tế toàn cầu gia tăng.

Dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm việc làm Qingtuanshe cho thấy kể từ khi làn sóng COVID-19 qua đi, các công ty tăng tuyển lao động bán thời gian. Nhiều đơn vị sản xuất trả lương công nhân theo tuần thay vì theo tháng.

Qingtuanshe cũng lưu ý dù không có thay đổi rõ ràng về tiền lương từ sau khi Trung Quốc bãi bỏ loạt hạn chế chống dịch, nhưng mức lương cho công việc trong nhà máy đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch.

Thiếu công nhân tay nghề cao

Với nền kinh tế Trung Quốc, sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài phơi bày một vấn đề không nhỏ: tình trạng thiếu công nhân tay nghề cao.

Theo nhà phân tích Annell: “Tìm công nhân và tìm đúng công nhân quả thực ngày càng khó khăn. Trung Quốc có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, lượng lao động đông đảo, nhưng rất khó tìm được quản đốc có trình độ và công nhân đạt chuẩn”.

Nhà kinh tế Dan Wang (Ngân hàng Hang Seng China) cho biết công nhân ngành sản xuất chiếm 18% lực lượng lao động Trung Quốc, công nhân xây dựng chiếm 11% - phần lớn chỉ có trình độ trung học nên khó chuyển sang ngành khác làm việc.

Bà dự báo ở nông thôn sẽ có hơn 1 triệu người thất nghiệp do xuất khẩu sụt giảm, đất nước đẩy mạnh tự động hóa sản xuất, nhu cầu xây dựng giảm. Tiêu dùng tăng trưởng yếu cũng hạn chế khả năng tiếp nhận lao động mới của ngành dịch vụ.

“Có vẻ như giải pháp cuối cùng vẫn là khóa đào tạo do chính phủ tài trợ. Nhiều lao động cần được đào tạo để có thể có việc làm”, theo nhà kinh tế Wang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức ép lớn với các nhà máy Trung Quốc khi nhu cầu tại Mỹ giảm