Hải Phòng và Hải Dương cùng chung một hệ thống luật pháp trong một quốc gia, cùng là người một dân tộc có truyền thống đoàn kết trong khó khăn.

Suy nghĩ từ việc Hải Dương “kêu cứu” khi bị Hải Phòng chặn nông sản

18/02/2021, 08:35

Hải Phòng và Hải Dương cùng chung một hệ thống luật pháp trong một quốc gia, cùng là người một dân tộc có truyền thống đoàn kết trong khó khăn.

Theo báo Hải Dương, ngày 17.2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo TP Hải Phòng tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện chở hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Đến ngày 16.2, trên địa bàn tỉnh còn 30.700 tấn cà rốt đã đến kỳ thu hoạch, 10.000 tấn cà rốt đang được bảo quản trong kho mát; 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch, 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát; 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông. Theo kế hoạch 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2. Các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài và đặt lịch tàu biển.

Tuy nhiên, từ ngày 16.2, TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và yêu cầu lái xe chở hàng đi Hải Dương khi về bắt buộc phải cách ly. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Hải Dương, không đúng với chỉ đạo bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất theo Chỉ thị 05/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Hải Phòng, sau khi nghe lãnh đạo 5 huyện, các sở, ngành báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương, đơn vị hôm 16.2, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kết luận: Trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh với thành phố Hải Phòng, trong thời gian tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 16.2.2021 đến ngày 3.3.2021), thành phố Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng. Trường hợp công dân của tỉnh Hải Dương cố tình vào Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly y tế tập trung của thành phố và phải chi trả chi phí cách ly.

Giao Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo giám sát các công dân làm việc trong các khu công nghiệp và trong khu kinh tế Hải Phòng, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có cam kết về việc không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương.

Cả Hải Dương và Hải Phòng đều có lý để biện minh cho hành động của mình. Hải Dương cho rằng nếu hàng hóa từ tỉnh nhà không được Hải Phòng “thông quan” thì không thể xuất khẩu. Trong khi đó, Hải Phòng tin rằng việc tạm dừng người và hàng hóa từ Hải Dương là biện pháp an toàn nhất. Việc cách ly người từ vùng dịch thì rất đúng đắn nhưng cách ly hàng hóa đang gây tranh cãi vì cho đến giờ chưa có công bố rộng rãi nào liên quan đến việc COVID-19 có hay không lây qua nông sản thực vật.

Thực ra trong đại dịch COVID thì ngay cả ở châu Âu, tranh cãi về chủ nghĩa bảo hộ địa phương cũng vô cùng quyết liệt. Chuyện Hải Dương – Hải Phòng khiến người ta liên tưởng Đức đơn phương đóng cửa biên giới với CH Séc và một phần của Áo. Thậm chí, đang cân nhắc đóng cửa biên giới với Pháp

Chủ nhật qua, Đức đã đóng cửa một phần biên giới với Cộng hòa Séc và tỉnh Tyrol của Áo đến ngày 7.3 vì những rủi ro do các biến thể gây ra, ngay cả khi số lượng lây nhiễm hàng ngày đã giảm trong những tuần qua..

Việc cấm biên của Đức khiến Liên minh châu Âu chỉ trích vì đi ngược lại tinh thần chung của khối. Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides nói với tờ Augsburger Allgemeine của Đức hôm Chủ nhật: “Nỗi sợ hãi về sự đột biến của coronavirus là điều dễ hiểu. Nhưng sự thật là vi rút không thể bị ngăn chặn bởi đóng cửa biên giới”. Bà cho rằng vắc xin và việc tuân theo các biện pháp phòng ngừa vệ sinh à "những thứ duy nhất có hiệu quả". "Tôi nghĩ thật sai lầm khi quay trở lại một châu Âu với những biên giới khép kín như chúng ta đã từng làm vào tháng 3.2020", bà nói.

Thái độ của EU khiến nước Đức giận dữ. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã tức giận bác bỏ chỉ trích từ Brussels. “Bấy nhiêu là đủ rồi. EU "đã phạm đủ sai lầm" với việc triển khai vắc xin chậm chạp. Chúng tôi đang chiến đấu chống lại loại virus đột biến ở biên giới Séc và Áo. Ủy ban EU nên hỗ trợ chúng tôi ... thay vì gây khó dễ với hướng đi của chúng tôi".

Tuy nhiên, cần nhớ rằng Đức và CH Séc dù nằm trong khối EU thì họ vẫn là 2 quốc gia độc lập, có quyền thực thi những chính sách bảo hộ khác nhau. Còn Hải Phòng và Hải Dương cùng chung một hệ thống luật pháp trong một quốc gia, cùng là người một dân tộc có truyền thống về tinh thần đoàn kết trong khó khăn.

Thay vì tranh cãi về lợi ích và bảo hộ thì hai bên nên tìm tiếng nói chung trên tinh thần hợp tác. Còn nhớ gần 1 năm trước, khi COVID-19 bắt đầu lan rộng, biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng thực hiện hạn chế người qua lại để phòng chống dịch bệnh lây lan. Nhưng xe hàng qua biên giới vẫn được thực hiện bằng sự đảm bảo y tế. Để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo giao thương, nhiều tỉnh biên giới phía Việt Nam đã thành lập đội lái xe trung chuyển. Chẳng hạn tỉnh Lào Cai có khoảng 100 tài xế trong đó 12 tài xế phụ trách trung chuyển container từ Trung Quốc sang Việt Nam, gần 90 tài xế nhận nhiệm vụ chiều ngược lại.

khu-trung.jpg
Khử trùng xe Trung Quốc nhập cảnh - Ảnh: Internet

Hằng ngày, mỗi tài xế của đội trung chuyển (chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam) thực hiện từ 8 - 10 lượt điều khiển phương tiện, tuỳ vào số lượng container thông quan. Đội lái xe có bằng lái đạt tiêu chuẩn, hoạt động dưới sự giám sát của Trung tâm kiểm dịch quốc tế với quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang và khử trùng theo quy định nghiêm ngặt.

Kết quả là không có sự cố nào xảy ra từ những chuyến hàng này. Không chỉ ở biên giới với Trung Quốc mà việc đổi tài xế với các chuyến xe hàng trong mùa COVID-19 còn được thực hiện ở các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia.

Đến hai quốc gia còn có thể xoay sở tìm cách để duy trì giao thương thì không lẽ gì hai tỉnh không thể tìm ra cách. Liệu Hải Phòng và Hải Dương có thể lập đội tài xế kiểu như vậy hay ngồi chung tìm biện pháp nào đó để giúp nông sản Hải Dương được giải cứu trong khi Hải Phòng vẫn giữ vững thành tích chống dịch xuất sắc của mình?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ từ việc Hải Dương “kêu cứu” khi bị Hải Phòng chặn nông sản