Giá trị đồng euro tuần qua rơi xuống mức ngang bằng với USD, thậm chí có lúc thấp hơn.
Tỷ giá hối đoái của một loại tiền tệ có thể là chỉ dấu cho triển vọng của một nền kinh tế. Diễn biến mới nhất cho thấy triển vọng của châu Âu đang xấu đi, kỳ vọng kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhường chỗ cho dự đoán về suy thoái.
Giá năng lượng cao và lạm phát kỷ lục là nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Châu Âu cần dầu mỏ cùng khí đốt Nga để công nghiệp hoạt động và tạo ra điện. Tuy nhiên, lo ngại cuộc chiến tại Ukraine khiến thị trường toàn cầu mất đi nguồn cung từ Nga làm giá dầu tăng vọt. Phía Moscow thời gian qua còn cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu nhằm đáp trả trừng phạt và nỗ lực viện trợ vũ khí giúp Ukraine.
Giá năng lượng đẩy lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro lên mức kỷ lục 8,6% trong tháng 6, mọi thứ từ tạp hóa đến hóa đơn điện nước nều trở nên đắt đỏ hơn. Lo ngại chính phủ các nước sẽ ưu tiên phân bổ khí đốt cho một số ngành như sản xuất thép, sản xuất thủy tinh, nông nghiệp nếu Nga tiếp tục giảm hay cắt hoàn toàn nguồn cung cũng xuất hiện.
Tâm lý sợ hãi càng tăng khi Nga ngừng hoạt động đường ống Nord Stream 1 phục vụ cho công tác bảo dưỡng kéo dài 2 tuần từ ngày 11.7. Đây có thể là cớ để Moscow cắt hoàn toàn khí đốt mà nước này cung cấp.
Nhà kinh tế Robin Brooks thuộc Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế (IIF) nhận xét: “Đồng euro rớt giá nói lên điều gì? Khu vực sử dụng đồng euro sắp rơi vào suy thoái là điều ngày càng rõ ràng”.
Lần gần nhất giá trị đồng euro ngang USD
Đồng euro chưa từng rớt xuống mức dưới 1 USD kể từ ngày 15.7.2002 cho đến tuần qua. Tiền tệ của châu Âu đạt mức cao nhất 1 euro đổi 1,18 USD ngay sau khi ra mắt vào ngày 1.1.1999, sau đó bắt đầu trượt giá. Euro từng xuống dưới mức 1 USD vào tháng 2.2000 và chạm mức thấp kỷ lục 82,30 cent USD vào tháng 10 cùng năm. Đồng tiền này tăng lên ngang USD vào năm 2002 khi thâm hụt thương mại lớn cộng thêm loạt bê bối kế toán ở Phố Wall tạo ra áp lực đè nặng lên đồng USD.
Hiện tại USD vẫn giữ thế thống trị trong thương mại toàn cầu lẫn dự trữ ngoại hối. Giá trị đồng tiền này so với các tiền tệ khác đạt đến mức cao nhất trong 20 năm. Ngoài ra, USD còn đang hưởng lợi từ vị thế là tài sản trú ẩn an toàn cho giới đầu tư trong thời điểm bất ổn.
Tại sao đồng euro rớt giá?
Giới phân tích cho rằng đồng euro trượt giá là do dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất để kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong 40 năm.
Khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất các khoản đầu tư sinh lời tăng theo. Nếu Fed tăng lãi suất cao hơn ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), lợi tức cao hơn sẽ khiến giới đầu tư bán euro mua USD - hành động khiến euro giảm giá còn USD tăng giá.
ECB thông báo chuẩn bị tăng lãi suất vào tuần tới và dự định tăng một lần nữa vào tháng 9. Nhưng kịch bản kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái sẽ ngăn họ làm vậy.
Triển vọng kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn, có nghĩa Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nới rộng khoảng cách giữa hai đồng tiền.
Ai hưởng lợi? Ai chịu thiệt?
Khách du lịch Mỹ đến châu Âu sẽ được hưởng giá các hàng hóa cùng dịch vụ rẻ hơn. Đồng euro yếu hơn có thể khiến hàng châu Âu xuất khẩu cạnh tranh hơn về giá tại Mỹ. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai đối tác thương mại lớn của nhau nên tỷ giá hối đoái thay đổi rất đáng chú ý.
Ở Mỹ, đồng USD mạnh hơn có nghĩa hàng nhập khẩu - từ ô tô, máy tính đến đồ chơi, thiết bị y tế - giảm giá giúp kiềm chế lạm phát.
Doanh nghiệp Mỹ có nhiều hoạt động kinh doanh ở châu Âu sẽ ghi nhận doanh thu sụt giảm nếu họ chuyển chúng về nước. Nếu doanh thu bằng đồng euro vẫn ở châu Âu để trang trải chi phí hoạt động tại chỗ thì tỷ giá hối đoái không phải là vấn đề nữa.
Nỗi lo chính với Mỹ khi USD tăng giá là hàng Mỹ xuất khẩu trở nên đắt hơn ở thị trường nước ngoài, làm gia tăng thâm hụt thương mại và giảm sản lượng.
Trong khi đó, đồng euro đem lại cơn đau đầu của ECB vì giá hàng hóa nhập khẩu sẽ cao hơn – đặc biệt là dầu vốn được định giá bằng USD.