Tôi nghĩ Sabeco họ thừa hiểu món nợ thuế này. Việc họ không để dư tiền tại tài khoản là để đối phó với việc truy thu của cơ quan thuế. Hành động này có thể thấy 2 bên đều hiểu khá rõ nhau”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM nói.

Tài khoản Sabeco không có tiền là cách họ đối phó việc truy thu thuế

03/01/2019, 14:00

Tôi nghĩ Sabeco họ thừa hiểu món nợ thuế này. Việc họ không để dư tiền tại tài khoản là để đối phó với việc truy thu của cơ quan thuế. Hành động này có thể thấy 2 bên đều hiểu khá rõ nhau”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM nói.

Ảnh minh họa từ FiveThirtyEight

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính và UBND TP.HCM về việc chưa xử lý cưỡng chế 3.100 tỉ đồng tiền thuế từ Sabeco.

Văn bản cho biết, trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chậm nộp thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế của Sabeco, giao Bộ Tài chính, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, việc cưỡng chế 3.100 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn 2007-2015, tiền phạt chậm nộp từ Sabeco do có yếu tố nước ngoài, nên hiện được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi trình Thủ tướng quyết định.

Trao đổi với với báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nói việc cưỡng chế thuế của Sabeco phải cẩn trọng, xem xét kỹ vì liên quan đến môi trường đầu tư, đến thực thi pháp luật. Nếu xử lý vội sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm, trong thời điểm này chưa thực hiện cưỡng chế thuế của Sabeco chứ không phải không cưỡng chế. Sau khi các bộ ngành cho ý kiến đầy đủ, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp lại và Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) ủng hộ việc truy thu thuế từ Sabeco. Theo ông Bảo, các nền kinh tế trên thế giới này đều xem trốn thuế, nợ thuế là rất nặng.

“Thuế là khoản khế ước mà anh phải đóng cho Chính phủ để hưởng các dịch vụ công, nếu trốn thuế, nợ thuế thì sẽ ảnh hưởng đến số đông, đến cộng đồng”, ông Bảo nói.

Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng nhân sự của ngành thuế và nguồn lực của ngành thuế có giới hạn, do đó nên tập trung nguồn lực và sự quan tâm đến những vấn đê nợ thuế trọng điểm của Sabeco và các ông lớn khác.

“Nhiều năm qua ngành thuế sao không quyết liệt trong vấn đề này, để đến thời điểm này khi đã bán doanh nghiệp thì ngành thuế lại mới lo truy thu? Điều này có dẫn đến lo ngại tâm lý môi trường đầu tư không công bằng hay không?”, ông Bảo nói.

Qua đó, chuyên gia này cho rằng cũng nên đặt ra một câu hỏi với trách nhiệm của ngành thuế là: Còn nhiều trường hợp như Sabeco đối với các ông lớn khác hay không? Nếu Nhà nước thu được những khoản thuế từ các “ông lớn” này sẽ có được một khoản tiền lớn, hơn là dự tính đi thu thuế của những người xe ôm, hàng rong vỉa hè… manh mún.

“Tôi nghĩ Sabeco họ thừa hiểu món nợ thuế này. Việc họ không để dư tiền tại tài khoản là để đối phó với việc truy thu của cơ quan thuế. Hành động này có thể thấy 2 bên đều hiểu khá rõ nhau”, ông Bảo chia sẻ.

Ông cũng đặt ra vấn đề về kỷ cương thu ngân sách, tính nghiêm minh của ngành thuế thế nào mà để doanh nghiệp đưa ra các kịch bản để không nộp thuế? Nếu doanh nghiệp cứ trốn thuế tràn lan thì các doanh nghiệp hoạt động nghiêm chỉnh sẽ cảm thấy bất công. Hơn nữa, việc để doanh nghiệp trốn thuế còn khiến thất thu một khoản lớn ngân sách.

Trước đó, vào ngày 28.12.2018, Sabeco nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco để thi hành Thông báo số 20080/TB-CT ngày 24.12.2018 của Cục Thuế TP.HCM.

Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỉ đồng.

Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco; trong đó số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007-2015 hơn 2.645 tỉ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các tài khoản Sabeco sử dụng để đăng ký trên Sở Kế hoạch - Đầu tư đều không còn tiền, nên Cục Thuế TP.HCM cũng chỉ tiến hành phong tỏa các tài khoản này chứ chưa thu được tiền.

Cục Thuế TP.HCM cũng yêu cầu Sabeco cung cấp tài khoản ngân hàng khác nhưng chưa nhận được phản hồi và cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu Sabeco làm việc lại để giải quyết vấn đề.

Ông Neo Gim Siong Bennett - Tổng giám đốc Sabeco cho rằng, Sabeco luôn rõ ràng và nhất quán kể từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành 2 kết luận.

Thứ nhất, Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ hai, Sabeco đã luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM về vấn đề này trong những năm qua.

Vẫn theo Sabeco, trong khi chưa có kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chưa có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sabeco thì Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM.

Trong khi đó, cơ quan thuế cho rằng họ đã thực hiện đúng quy định.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài khoản Sabeco không có tiền là cách họ đối phó việc truy thu thuế