Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2.2022, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vai trò trung lập, thể hiện ý định gia nhập NATO. Tuy nhiên, hai nước này đã vấp phải sự ngăn cản từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sao Hungary nhất quyết ngăn Phần Lan, Thụy Điển vào NATO?

Hoàng Vũ (theo AP) | 17/03/2023, 07:10

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2.2022, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vai trò trung lập, thể hiện ý định gia nhập NATO. Tuy nhiên, hai nước này đã vấp phải sự ngăn cản từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo AP, gần một năm sau khi các nước Bắc Âu chính thức nộp đơn xin tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), việc gia nhập của họ vẫn chưa được giải quyết vì hai trong số 30 thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa chấp thuận hồ sơ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần đưa ra những phản đối cụ thể đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ lâu khẳng định đất nước của ông ủng hộ việc mở rộng và nhiều lần hứa rằng quốc hội sẽ sớm bỏ phiếu phê chuẩn, lại phản đối kịch liệt.

tt-hungary.png
Thủ tướng Hungary Viktor Orban - Ảnh: AP

“Chúng tôi đã xác nhận với cả Phần Lan và Thụy Điển rằng Hungary ủng hộ các nỗ lực xây dựng NATO của họ. Hungary chắc chắn sẽ hỗ trợ họ để tham gia”, ông Orban cho biết vào tháng 11 năm ngoái.

Cho đến nay chính phủ Hungary đã gây ra sự thất vọng đối với Thụy Điển và Phần Lan khi liên tục trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua đơn đăng ký tham gia NATO của hai quốc Bắc Âu này.

Daniel Hegedus, một nhà phân tích tại Quỹ Marshall (Đức) cho rằng việc Hungary tỏ ra miễn cưỡng đối với việc mở rộng NATO là mong muốn sử dụng đây làm đòn bẩy đối với Liên minh châu Âu (EU), nơi đã đóng băng hàng tỉ USD tài trợ cho Budapest do những lo ngại về tham nhũng và pháp quyền.

“Hy vọng của Hungary là bằng cách lợi dụng việc trì hoãn này để thúc đẩy người Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ khả năng giải ngân quỹ cho Budapest vào tháng 4”, Hegedus nói.

EU - bao gồm 21 quốc gia NATO - trong nhiều năm đã cáo buộc chính phủ của ông Orban đàn áp quyền tự do truyền thông và quyền của LGBTQ, giám sát một nền văn hóa tham nhũng cố hữu của quan chức.

Thủ tướng Orban cũng bị cáo buộc duy trì mối quan hệ thân thiết quá mức với Tổng thống Nga Vladimir Putin và không cắt đứt quan hệ với Điện Kremlin ngay cả khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong một nghị quyết tại Nghị viện châu Âu năm ngoái, các nhà lập pháp EU cáo buộc Hungary làm suy yếu các giá trị dân chủ của khối và đưa nước này ra khỏi cộng đồng các nền dân chủ. EU yêu cầu Hungary thực hiện một loạt cải cách sâu rộng để đổi lại cho việc tiếp cận hàng tỉ USD ngân sách hỗ trợ của khối.

Chính phủ của ông Orban đáp trả bằng cách đe dọa chặn các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, phủ quyết gói viện trợ trị giá 18 tỉ euro (19,1 tỉ USD) cho Ukraine cũng như trì hoãn bỏ phiếu quốc hội về việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

“Thật không đúng khi Thụy Điển và Phần Lan yêu cầu chúng tôi tiếp nhận họ trong khi họ đang lan truyền những lời dối trá trắng trợn về Hungary, về pháp quyền ở Hungary, về nền dân chủ, về cuộc sống ở đây.

Liệu có ai muốn trở thành đồng minh của chúng tôi trong một hệ thống quân sự trong khi họ đang tung tin dối trá về Hungary một cách trơ trẽn không?”, ông Orban nói trong một cuộc phỏng vấn tháng trước.

Tuy nhiên, quốc hội Hungary đã cử một phái đoàn gồm các nhà lập pháp tới Stockholm (Thụy Điển) và Helsinki (Phần Lan) vào đầu tháng này để giải quyết “các tranh chấp chính trị”.

Mặc dù phái đoàn Hungary sau đó phát đi tín hiệu ủng hộ các nỗ lực gia nhập NATO, quốc hội Hungary trong tháng này đã hoãn một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn và chưa đưa ra ngày chắc chắn về thời điểm cuộc bỏ phiếu mới có thể diễn ra.

Chuyên gia Hegedus nhận định Thủ tướng Orban và chính phủ của ông hy vọng giành được sự nhượng bộ từ EU bằng việc trì hoãn bỏ phiếu, nhưng có thể họ đã “chơi quá tay” khi sự kiên nhẫn và lòng tin của các đồng minh của Hungary bắt đầu hao mòn.

“Tôi nghĩ sẽ không còn quốc gia EU hay NATO nào tin tưởng chính phủ Hungary này nữa. Hungary sẽ bị đối xử khác vì tất cả các đối tác đều đã mất niềm tin vào ông Orban”, Hegedus nói.

Ông cũng dự đoán quốc hội Hungary có khả năng cuối cùng sẽ bỏ phiếu phê chuẩn đơn đăng ký NATO của Thụy Điển và Phần Lan “trong vài tuần hoặc vài tháng tới”, đặc biệt nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn đề xuất của Phần Lan.

“Lập trường của Hungary sẽ không bền vững nếu lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi”, ông Hegedus nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Hungary nhất quyết ngăn Phần Lan, Thụy Điển vào NATO?