Liên minh Aukus cho phép Úc hợp tác cùng Mỹ, Anh đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân làm dấy lên tranh luận tại Ấn Độ về việc nước này nên phản ứng ra sao.

Tại sao Mỹ trao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, không phải Ấn?

Cẩm Bình | 21/09/2021, 09:52

Liên minh Aukus cho phép Úc hợp tác cùng Mỹ, Anh đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân làm dấy lên tranh luận tại Ấn Độ về việc nước này nên phản ứng ra sao.

New Delhi đến nay vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức, nhưng cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Arun Prakash tuần qua nhận định Aukus có thể đã làm cường quốc Nam Á buồn lòng.

“Nhiều năm qua, Mỹ nói với Ấn Độ rằng luật pháp Mỹ khiến họ không thể chia sẻ công nghệ động cơ đẩy hạt nhân cho bất cứ ai kể cả đồng minh, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn cùng 4 thỏa thuận nền tảng khác cũng không thể thay đổi quy định. Vậy mà giờ đây...”, cựu Tư lệnh Prakash viết trên Twitter.

Năm 2008, Mỹ - Ấn ký một thỏa thuận cho phép Washington hợp tác hạt nhân dân sự toàn diện với đối tác, đổi lại New Delhi phải chia rõ cơ sở hạt nhân dân sự và cơ sở hạt nhân quân sự. Mọi cơ sở hạt nhân dân sự đều do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bảo vệ.

Thỏa thuận trên không bao gồm hợp tác hạt nhân quân sự. Những năm sau 2 nước ký thêm 4 thỏa thuận đặt nền tảng cho hợp tác quân sự, tiếp cận vũ khí tinh vi không gồm công nghệ hạt nhân quân sự.

sub.jpg
Tàu ngầm hạt nhân được đánh giá giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ quốc gia - Ảnh: SCMP

Giáo sư quan hệ Srinath Raghavan thuộc đại học Ashoka cho rằng trông chờ Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân quân sự không thực tế: “Tại sao chúng ta mong đợi Mỹ chia sẻ bí quyết công nghệ như vậy? Ấn Độ không phải đồng minh hay ràng buộc với Mỹ bằng bất cứ hiệp ước nào cả”. Ông lưu ý Úc đã là đồng minh thân thiết của Mỹ từ Thế chiến thứ 2 đến nay.

Theo giới phân tích, tuy Mỹ - Ấn từ năm 2000 đã không ngừng tăng cường quan hệ, nhưng quan hệ chiến lược - an ninh giữa Mỹ với Úc và Anh còn phát triển hơn.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Navtej Sarna cho biết trước đây Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ với Anh, còn Úc là thành viên hiệp ước Anzus với Mỹ cùng New Zealand, nên quan hệ Mỹ - Ấn không thể nào sánh bằng. Ông nhấn mạnh Ấn Độ nên cân nhắc đến tác động mà Aukus mang lại: liên minh Mỹ - Anh - Úc giúp đối phó Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương – điều có lợi cho New Delhi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chuẩn bị sang Mỹ dự hội nghị Đối thoại An ninh 4 bên (Quad). Ông sẽ có cơ hội gặp riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lựa chọn khác của Ấn Độ

Cựu Đô đốc hải quân Sudarshan Shrikhande nhắc nhở rằng trong các năm 1963 - 1964 khi Ấn Độ tìm đến Mỹ nhờ hỗ trợ xây dựng hạm đội tàu ngầm, Mỹ đã không sẵn lòng giúp đỡ. Kết quả là New Delhi quay sang Liên Xô.

Theo cựu Đại sứ Sarna, Ấn Độ hợp tác quốc phòng với Liên Xô (và Nga sau này) là vì hệ thống vũ khí của họ dễ tiếp cận với giá cả hợp lý, quen sử dụng, cũng như vì quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Ấn Độ có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên từ Liên Xô vào năm 1988 (cho thuê trong 3 năm). Đến năm 2012 cường quốc Nam Á lại thuê một tàu ngầm hạt nhân nữa từ Nga trong 10 năm, nhưng tháng 6.2021 trả lại do xuất hiện lỗi kỹ thuật. New Delhi đang chờ chiếc thứ 3 dự kiến giao vào năm 2026.

Liên minh Aukus một lần nữa khiến tranh luận về tầm quan trọng của tàu ngầm hạt nhân đối với năng lực phòng thủ quốc gia nổ ra. Cựu Đô đốc Shrikhande cho biết vũ khí này rất hữu ích nhờ khả năng tàng hình, tầm hoạt động xa, độ bền, khả năng mang vũ khí.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nga P.S. Raghavan lưu ý rằng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 cấm chuyển giao công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên Ấn Độ không ký kết nên không chịu ràng buộc, hơn nữa NPT không cấm thuê vũ khí hạt nhân. Ngoài ra Trung Quốc cũng vi phạm hiệp ước khi chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Pakistan.

“Thỏa thuận hợp tác đóng tàu ngầm giữa Mỹ với Úc đang khám phá giới hạn NPT đặt ra”, cựu Đại sứ Raghavan nhận xét.

Song song với thuê tàu ngầm hạt nhân Nga, Ấn Độ cũng không ngừng tự tăng cường năng lực tự chủ công nghệ hạt nhân. Nỗ lực bắt đầu bằng dự án tàu ngầm Arihant tự đóng, đến nay đã cho ra đời 2 chiếc. Cường quốc Nam Á có đủ năng lượng hạt nhân cho các tàu này.

Ấn Độ nhiều lần đề nghị công ty quốc phòng Mỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ thông qua liên doanh hoặc đầu tư, nhưng cựu Đại sứ Raghavan đánh giá khả năng Mỹ chịu làm vậy rất thấp.

Theo cựu Đô đốc Shrikhande: “Ấn Độ cần theo đuổi công nghệ tiên tiến từ một số quốc gia thay vì chỉ từ một nhà cung cấp lớn. Một Ấn Độ tự chủ sẽ là đối tác chiến lược tốt hơn hơn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Mỹ trao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, không phải Ấn?