Rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp xoay quanh liên minh Mỹ - Anh - Úc (Aukus) làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Washington với mối liên minh xuyên Đại Tây Dương, đem lại cho Trung Quốc cơ hội cải thiện quan hệ với châu Âu.

Trung Quốc không dễ tranh thủ cơ hội trước rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp

Cẩm Bình | 20/09/2021, 13:07

Rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp xoay quanh liên minh Mỹ - Anh - Úc (Aukus) làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Washington với mối liên minh xuyên Đại Tây Dương, đem lại cho Trung Quốc cơ hội cải thiện quan hệ với châu Âu.

Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ - tuần qua triệu hồi đại sứ nước này tại cả Úc lẫn tại Mỹ sau khi liên minh Aukus được thành lập, Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm diesel của Pháp để chuyển sang hợp tác cùng Mỹ, Anh đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân.

Phía Trung Quốc chỉ trích Aukus đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực, Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình.

Giới quan sát Trung Quốc nhận định khủng hoảng ngoại giao trên có thể là cơ hội cải thiện quan hệ với châu Âu, thế lực muốn duy trì tính tự chủ chiến lược, không đứng về phe nào trong cạnh tranh Mỹ - Trung.

Theo chuyên gia Đinh Nhất Phàm từng làm việc cho Cơ quan Phát triển thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc gia Trung Quốc: “Ở mức độ nào đó thì vụ việc làm giảm mức độ đáng tin của cam kết hợp tác với châu Âu mà Mỹ đưa ra, một cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quan hệ”.

Ông Đinh đánh giá hủy bỏ bản hợp đồng mà Pháp từng ca ngợi là “thỏa thuận thế kỷ” như đòn giáng mạnh vào lòng tin châu Âu dành cho đồng minh Mỹ vốn đã bị sứt mẻ từ quyết định rút quân khỏi Afghanistan một tháng trước.

Giáo sư quan hệ quốc tế Vương Nghĩa Ngôi thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng động thái kết liên minh với Úc thể hiện rõ Mỹ ưu tiên khối quốc gia dùng tiếng Anh làm bản ngữ hơn các liên minh xuyên Đại Tây Dương.

“Nước Mỹ đã trở lại, nhưng lợi ích Mỹ vẫn là ưu tiên”, theo Giáo sư Vương.

us_french_flag_061918.jpg
Dù là đồng minh lâu đời, Pháp vẫn không thể chấp nhận việc Mỹ và Úc "đâm sau lưng" - Ảnh: The Hill

Quan hệ Trung Quốc - EU vài tháng gần đây xấu đi rõ rệt do xung đột về nhân quyền tại Tân Cương, khiến Nghị viện châu Âu (EP) quyết định ngừng xem xét phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư giữa hai bên. Ngoài ra, nước Lithuania còn khiến Bắc Kinh nổi giận vì cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện dùng tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” như thông lệ.

Trong khi Mỹ xem Trung Quốc như đối thủ chiến lược, EU cũng gọi quốc gia châu Á này là đối thủ mang tính hệ thống. Tuy nhiên khối vẫn chủ trương hợp tác với Trung Quốc ở một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu hay giữ gìn đa dạng sinh học, Giáo sư Đinh Thuần thuộc Đại học Phúc Đán cho biết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ nhiệt thành nỗ lực xây dựng EU tự chủ chiến lược. Tháng 2 năm nay ông từng kêu gọi khối không nên tự động đứng về phía Mỹ chống Trung Quốc, mặc dù giữa họ và Washington chia sẻ nhiều giá trị chung.

Giáo sư Đinh đánh giá: “Tuy Mỹ thành công việc lôi kéo Úc, nhưng lại đẩy Pháp và đồng minh châu Âu ra xa. Ở mức độ nào đó Mỹ không quan tâm nhiều đến lợi ích của các đồng minh, điều có thể khiến châu Âu theo đuổi tự chủ chiến lược mạnh mẽ hơn nữa”.

Mặc dù cơ hội đã đến, Trung Quốc chưa chắc dễ dàng hưởng lợi từ mâu thuẫn Mỹ - Pháp. Năm qua, Pháp tăng cường hiện diện trên Biển Đông bằng hoạt động tuần tra gần khu vực tranh chấp, cùng Mỹ và Nhật tập trận chung.

Đô đốc Arnaud Tranchant - chỉ huy tàu Tonnerre từng thực hiện nhiệm vụ di chuyển qua Biển Đông - từng tuyên bố Pháp muốn tăng cường quan hệ với bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (Quad) vốn là liên minh kiềm chế Trung Quốc.

Bài liên quan
Thủ tướng Pháp vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm
Hãng Reuters đưa tin Thủ tướng Pháp Francois Bayrou vừa vượt qua phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm khởi xướng bởi phe cực tả, qua đó thành công giữ vững chính phủ thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
6 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không dễ tranh thủ cơ hội trước rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp