Mullah Nooruddin Turabi - một trong những nhân vật sáng lập Taliban, phụ trách thực thi luật Hồi giáo nghiêm khắt - cho biết tổ chức này sẽ tái áp dụng hình phạt hành quyết và cắt chi nhưng có thể không thi hành ở nơi công cộng.

Taliban cho phụ nữ làm thẩm phán, bào chữa việc tái áp dụng hành quyết và chặt tay chân

Cẩm Bình | 24/09/2021, 12:13

Mullah Nooruddin Turabi - một trong những nhân vật sáng lập Taliban, phụ trách thực thi luật Hồi giáo nghiêm khắt - cho biết tổ chức này sẽ tái áp dụng hình phạt hành quyết và cắt chi nhưng có thể không thi hành ở nơi công cộng.

Trả lời phỏng vấn hãng AP, ông Turabi cảnh báo thế giới không nên can thiệp chính sách của thế lực vừa quay lại nắm quyền tại Afghanistan: “Mọi người đều chỉ trích chúng tôi khi thi hành hình phạt ở sân vận động (trong quá khứ), nhưng chúng tôi không hề nói bất cứ điều gì về luật pháp và hình phạt của họ. Không cần ai cho chúng tôi biết luật của chúng tôi sẽ phải như thế nào. Chúng tôi theo đạo Hồi và sẽ soạn thảo luật dựa trên kinh Koran”.

Kể từ sau ngày 15.8 lúc chính quyền cũ bị lật đổ, người dân Afghanistan lẫn cộng đồng quốc tế đều rất quan tâm đến việc liệu Taliban có thiết lập lại chế độ cai trị hà khắc như cuối những năm 1990 hay không. Phát biểu mà ông Turabi vừa đưa ra cho thấy rõ đội ngũ lãnh đạo tổ chức vẫn giữ quan điểm cứng rắn, bảo thủ dù chấp nhận nhiều thay đổi công nghệ hiện đại ngày nay.

taliban.jpg
Đội ngũ lãnh đạo Taliban vẫn giữ quan điểm bảo thủ, cứng rắn - Ảnh: AP

Khi Taliban cầm quyền cuối những năm 1990, ông Turabi từng là người đứng đầu Bộ Tuyên truyền đạo đức và Phòng chống tội phạm đóng vai trò như cảnh sát về tôn giáo. Thời điểm đó nhiều vụ hành quyết hay hình thức trừng phạt khác thường được thực hiện ở sân vận động thể thao Kabul hoặc trong khuôn viên đền thờ Hồi giáo Eid Gah, thu hút hàng trăm người đến xem – hành động nhận phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Kẻ sát nhân thường bị bắn một phát súng vào đầu, người thực hiện là người nhà nạn nhân, tuy nhiên họ vẫn có lựa chọn đồng ý nhận “tiền chuộc tội” và tha mạng cho thủ phạm. Hình phạt cho kẻ trộm là cắt một bàn tay, với kẻ cướp là cắt một tay một chân.

Dù thi hành án công khai, hoạt động xét xử - kết án lại không diễn ra công khai. Đội ngũ tư pháp lại thường nghe theo ý kiến các giáo sĩ Hồi giáo.

Ở lần tái nắm quyền này, Taliban chấp nhận cho phụ nữ làm thẩm phán nhưng ông Turabi khẳng định nền tảng của luật pháp Afghanistan sẽ vẫn là kinh Koran.

“Cắt tay có tác dụng răn đe, cần thiết để duy trì trị an”, theo ông Turabi. Chính quyền mới đang cân nhắc xem có nên thực hiện hình phạt nơi công cộng hay không.

Gần đây tại Kabul, chiến binh Taliban dùng lại hình phạt bêu xấu trước công chúng với trường hợp trộm cắp vặt: trói người bị cáo buộc sau một xe bán tải đưa đi quanh thành phố, vẽ lên mặt, treo bánh mì mốc lên cổ hoặc nhét vào miệng người bị cáo buộc.

Mỹ cùng đồng minh luôn cố gắng sử dụng mối đe dọa cô lập kinh tế để buộc Taliban trở nên ôn hòa hơn. Tuy nhiên ông Turabi nhấn mạnh chính hình phạt nghiêm khắt giúp giữ cho đất nước ổn định.

Thậm chí trong số cư dân Kabul lo sợ khi Taliban tái nắm quyền vẫn có người thừa nhận thủ đô 1 tháng qua trở nên an toàn hơn. Các băng trộm không còn lang thang trên đường phố.

Chủ cửa hàng Amaan chia sẻ: “Bị bêu xấu ở nơi công cộng không phải chuyện tốt. Nhưng hình phạt này giúp ngăn chặn tội phạm, vì mọi người khi nhìn thấy thì sẽ nghĩ “mình không muốn bị như vậy””.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Taliban cho phụ nữ làm thẩm phán, bào chữa việc tái áp dụng hành quyết và chặt tay chân