“Nhiều năm đồng hành cùng giải U.21, mắt thấy tai nghe chuyện công chức“tranh thủ” đi xếp hàng mua vé bất chấp nắng mưa,chuyện giới phe vé cắt cử người bám sát BTC như hình với bóng để canh gom vé, sau đó thổi giá...”, tôi thấy thật hiếm có một giải đấu trẻ thường niên nào có thể mang lại những mẩu chuyện xung quanh tấm vé hay đến thế!”
Theo nghề được 10 năm, tôi may mắn dự trọn 9 giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Tổ chức lần đầu ở Nha Trang năm 2007, đến nay giải đã đi qua thêm 6 tỉnh, thành phố gồm Huế (2008), Bình Dương (2009), Pleiku (2011, 2012), Ninh Thuận (2013), Cần Thơ (2014) hay Thống Nhất (2010, 2015), sân nào cũng muốn vỡ tung vì đông khán giả. Cũng vì sốt vé mà để có được một chỗ ngồi hay thậm chí là chỗ đứng trên khán đài, tất cả đều cùng trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc khó diễn tả bằng lời.
Thời tiết cũng chào thua khán giả
Các giải U.21 quốc tế thường diễn ra vào tháng 10, thời tiết không hề dễ chịu. Khi thì nắng cháy da, lúc lại mưa tối sầm trời đất, bất kể là ở Phan Rang, Pleiku hay TP HCM. Vậy mà sân Cần Thơ chiều 27-10-2014, trong cơn mưa tầm tã kéo dài từ 13 giờ đến chiều tối, bất chấp sự xua đuổi của lực lượng chức năng, hàng chục cò vé vẫn hoạt động nhộn nhịp trên đường Lê Lợi, ngay trước cửa khán đài A. Khách hàng của họ là những CĐV hâm mộ U.21 HAGL, những người thậm chí còn “gan” hơn, không e dè móc túi 500-700 nghìn đồng mua một tấm vé vào sân xem Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đối đầu người Thái.
Đó là một cảnh tượng hiếm thấy với những người dân cư ngụ quanh sân bóng có sức chứa lớn nhất Việt Nam này.“Chưa bao giờ sân Cần Thơ lại có cò vé nhiều đến vậy. Họ chắc chắn không phải dân ở đây. Còn người hâm mộ nữa, BTC đã cảnh báo có vé giả nhưng gần đến ngày đá chung kết, chẳng ai bận tâm chuyện đó.Họ chỉ muốn bằng mọi giá được vào sân chung vui ngày hội bóng đá trẻ”, Tính Đỗ, một thành viên hội CĐV bóng đá Việt Nam sống ở Cần Thơ chia sẻ với sự ngạc nhiên lớn.
Càng bất ngờ hơn, trong dòng người tranh nhau những tấm vé chợ đen dưới cơn mưa tầm tã, không ít là viên chức, thông qua những bộ trang phục công sở. Chưa tan tầm nhưng họ đã tranh thủ gác lại công việc để chạy ra cửa sân với hy vọng tìm được tấm vé đang dần khan hiếm từng giờ. Anh Đăng Khoa, một giảng viên giáo dục thể chất của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, vừa xuống tới Cần Thơ để giảng dạy ở cơ sở Cần Thơ, vốn là người quen tình cờ gặp nhau ở cửa khán đài, anh Khoa chia sẻ: “Xuống Cần Thơ lúc 12 giờ, tôi chạy về phòng cất đồ rồi cùng mấy cậu học trò ra đây tìm mua vé, cho cả mấy thầy khác trong trường đang bận dạy không ra mua được. Chiều nay tôi báo nghỉ 2 tiết, tranh thủ săn vé bằng được chứ đợi đến chiều hoặc mai thì không còn vé để mua nữa, nếu có thì giá cũng đắt lắm. Mấy khi Cần Thơ tưng bừng bóng đá như thế này”.
Cười ra nước mắt vì vé
Sân Pleiku liên tiếp hai năm 2011, 2012 tổ chức U.21 quốc tế, lần nào cũng suýt vỡ vì khán giả chen kín sân, ngồi luôn cả vào khán đài VIP và tràn cả xuống đường piste. Khổ nỗi lực lượng an ninh thấy khán đài đã chật kín mà bên ngoài còn hàng ngàn người vẫn cầm vé đang chen chúc ngột ngạt, thế là họ buộc phải đóng cửa sân sớm. Đúng lúc ông bầu Nguyễn Đức Kiên đang hòa cùng dòng người bước vào sân bị ngăn lại, suýt nữa ông bị đuổi nhầm ra ngoài, may có bầu Đức phát hiện “giải cứu” kịp.
Đến giải đấu ở Phan Rang (Ninh Thuận), trời nắng như đổ lửa nhưng từ 11 giờ trưa, khán giả các nơi đổ về đã làm lực lượng soát vé làm việc bở hơi tai vì đinh ninh, trận chung kết 16 giờ mới thi đấu thì khán giả chỉ đến trước tầm 2 tiếng. Hỏi ra mới biết khán giả đến sớm vì rút kinh nghiệm từ sân Pleiku, phải đến để giữ chỗ vì nghe nói vé đã bán hết trước đó 2 ngày. Ngay cả người nhà của các cầu thủ U.21 Việt Nam cũng than thở dù cậy nhờ mọi mối quen biết cũng chỉ mua được vài tấm vé, không đáp ứng nổi nhu cầu của người thân.
Đi tới đâu, giải U.21 quốc tế cũng tạo nên cơn sốt vé chưa từng có. Cũng vì vậy mà mới có chuyện, giới phe vé ở TP HCM cứ đến giải là rủ nhau tìm đến địa phương đăng cai U.21 quốc tế, cắt cử người đeo bám thành viên BTC giải 24/24 để dò la tình hình bán vé. Ngay khi vé được phát hành, giới phe vé lập tức tranh nhau gom hàng bằng đủ mọi chiêu thức, sau đó đẩy giá lên cao gấp 5-7 lần, thậm chí càng sát giờ đấu vé đắt bao nhiêu cũng bán hết. Dù vấp phải sự ngăn cản từ BTC giải cũng như lực lượng an ninh, nhưng phe vé cũng góp phần tạo nên sự sôi động và những kỷ niệm rất đáng nhớ cho giải đấu trẻ này.
Theo Anh Dũng (Thanh Niên Tuần San) - Ảnh: Khả Hòa