Nhiều chương trình, dự án văn hóa du lịch được huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đầu tư với quy mô khá hoành tráng với “trống giong cờ mở”, khiến cho người dân địa phương rất kỳ vọng, ngóng chờ.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai đồng loạt thì hầu hết các khu du lịch, văn hóa với vốn đầu tư 5,5 tỉ đồng rơi vào cảnh đìu hiu, xuống cấp và không có khách tham quan. Kiểu làm du lịch “nửa mùa” này đã, đang gây tốn kém đối với ngân sách, còn địa phương thì mãi loay hoay tìm hướng đi.
Làng tranh 3D phát sáng đã không còn... tỏasáng
Có hơn hai mươi bức tranh phát sáng ở thôn Thọ An (xã Bình An) do huyện Bình Sơn đầu tư, thực hiện vào tháng 8.2018. Theo chính quyền địa phương, làng bích họa tranh 3D Thọ An sẽ là một điểm nhấn du lịch quan trọng, thu hút du khách đến với đồng bào dân tộc Cor nơi đây. Thế nhưng, sau gần 1 năm đưa vào hoạt động, làng tranh 3D đã trở nên hoang tàn và không có nổi bóng người.
Theo trục đường chính vào làng tranh, nước màu của bức hoạ 3D hình đồng bào Cor đấu chiêng đã mờ nhạt dần, xung quanh cây cỏ mọc um tùm, che lối vào tường tranh. Cạnh đó, bức tranh vẽ hình ảnh ngôi nhà, dòng suối bị phủ bởi cây cối, vật dụng sinh hoạt của người dân. Dọc theo trục đường chính vào thôn Thọ An, nhiều bức họa trên tường bị mốc meo, chân tường hư hỏng. Làng tranh với 22 bức bích họa có nội dung cảnh đẹp thiên nhiên, động vật được đầu tư 500 triệu đồng là vậy, song sau gần 1 năm chỉ còn là những hình ảnh xấu nằm khuất trong lùm cây, giữa ngổn ngang nhà dân. Gặp chúng tôi, chị Lương Thị Bích, du khách ở TP.HCM bày tỏ thất vọng: “Tôi nghe về làng tranh 3D phát sáng này lâu rồi, nay mới có dịp lên. Tranh trên tường nhà nằm bên trong cây cối, muốn chụp phải chui vào. Bà con để đồ đạc tùm lum trông nhớp nháp quá. Thật sự rất buồn”.
Vườn hoa trị giá nửa tỉ đồng phần lớn còn lại là cỏ dại
Bên cạnh làng tranh 3D thì nhà sàn, vườn hoa, suối hoa... được chính quyền đầu tư 3 tỉ đồng cũng nằm trong tình trạng bỏ hoang, và gần như không ai chăm sóc. Vườn hoa được đầu tư lên đến 500 triệu đồng chỉ còn lại vài trụ đá cảnh, cây xanh xen lẫn cỏ dại. Không chỉ vẽ tranh “trên núi”, huyện Bình Sơn còn thực hiện dự án tranh 3D ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải). 14 tranh bích họa trên các lối đi, hàng rào, tường nhà, quán ăn sống động, rực rỡ ban đầu là thế, nhưng chỉ sau 1 năm cũng nhạt màu, xuống cấp khá thảm hại. Không được bảo quản, chăm sóc và khách du lịch thưa dần nên tranh bích họa làng chài Thanh Thủycũng phải chịu cảnh đìu hiu.“Mới đầu khách đến đông, giờ thì hết rồi. Không có khách thì chăm sóc, bảo dưỡng tranh làm gì nữa. Họ vẽ tranh lên tường nhà tui cũng mong có được thu nhập thêm vừa vui, giờ thì thôi, không làm nữa”, một người dân bức xúc.
Giờ họ không còn hợp tác nữa
Tranh 3D “núp lùm” trên tường nhà dân
Theo lời của chính quyền địa phương, làng tranh 3D Thọ An sẽ thu hút nhiều du khách đến với thôn nên chị Nguyễn Thị Luyến quyết định mở quán bán hàng phục vụ du khách với hy vọng có tiền trang trải cho gia đình. Thế nhưng chỉ được một thời gian đầu, rồi khách thưa dần, hàng quán ế ẩm. “Hồi mới làm họ hứa hẹn nhiều lắm, họ nói cho vẽ tranh trên tường, có khách thì bán quán được nhiều tiền, làm ăn tân tiến gì đó. Làm gì có. Họ nói sẽ giúp bà con làm ăn nhưng có thấy bán được gì đâu”, chị Luyến thắc mắc.
Cho rằng cần tạo điểm nhấn phát triển văn hóa, du lịch, giúp người dân cải thiện đời sống, huyện Bình Sơn đã đầu tư 5,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách làm vườn hoa, suối hoa, xây nhà sàn, hình thành hai làng tranh 3D trên thôn miền núi Thọ An và làng chài Thanh Thủy. Đồng thời, đưa ra các chương trình phục dựng không gian văn hóa cồng chiêng, kết nối với tour trải nghiệm tắm suối, giới thiệu hàng nông sản, hải sản, phục hồi phát huy các lễ hội dân gian của đồng bào Cor. Khi thực hiện các dự án này, bà Hà Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho rằng cần tạo thêm nhiều điểm du lịch vệ tinh bên cạnh các thắng cảnh như Gành Yến để du khách có thể thưởng lãm thiên nhiên, làng chài ngư dân. “Điều này sẽ giúp địa phương phát triển được loại hình du lịch cộng đồng. Năm 2017, 2018 và 2019, huyện đầu tư hơn 12 tỉ đồng để phát triển du lịch cộng đồng nhằm để hình thành các điểm du lịch mới, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân”, bà Thư khẳng định.
Bức bích họa bị xuống cấp nghiêm trọng
Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ mới đầu tư hạ tầng du lịch như làng tranh, vườn hoa, nhà sàn bê tông, tổ chức lễ hội dưa hấu, đấu cồng chiêng theo kiểu phong trào. Các dịch vụ, hoạt động chiều sâu để thu hút khách du lịch như phục dựng không gian văn hóa, tour du lịch trải nghiệm, lễ hội dân gian, trưng bày giới thiệu hàng nông sản… đang nằm trên… giấy. Không duy trì các chương trình, hoạt động bản sắc như mục tiêu ban đầu nên các dự án du lịch vẫn dở dang, hạ tầng ngày càng xuống cấp. Không có dịch vụ, sản phẩm du lịch đi kèm nên sau những lần khai trương rầm rộ, các dự án du lịch nơi đây bị chơi vơi, teo tóp. Năm 2018, thắng cảnh Gành Yến thu hút nhiều đoàn du khách tham quan, nhiều hàng quán, dịch vụ nở rộ phục vụ du khách. Sau một thời gian, các khu dịch vụ cũng… nghỉ dần. Bà Nguyễn Thị Nguyệt than thở, “ban đầu thì khách đông lắm mình mua bán cũng được, giữ xe, bán nước đủ kiểu. Giờ dẹp rồi, có khách đâu nữa mà bán”.
Ông Võ Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, khi các dự án triển khai địa phương rất kỳ vọng phát triển được du lịch, cải thiện đời sống cho người dân. Thế nhưng, ngoài tranh bích họa thì không còn gì để níu chân du khách, không thể phát triển như ý muốn. “Ở đây chưa có dịch vụ gì, chưa trưng bày sản phẩm địa phương, không có hoạt động gì thì làm sao phát triển du lịch được. Người dân ban đầu cũng phấn khởi, giờ họ không chịu hợp tác chăm sóc tranh, vệ sinh làng ngõ gì nữa”, Phó Chủ tịch xã Bình An nói.
Nhìn vào thực trạng buồn này của Bình Sơn, nhiều ý kiến cho rằng, việc chính quyền quan tâm đầu tư để tạo nên những sản phẩm văn hoá du lịch, thu hút du khách, cải thiện đời sống của người dân là rất đáng hoan nghênh. Nhưng trước khi triển khai thực hiện thì cần có sự tư vấn của chuyên gia, nhà chức trách chứ không thể thấy người khác làm mình cũng xông vào để rồi phải trả giá như hiện nay.
Theo Nam Minh/Báo Văn Hóa