So với thu nhập bình quân của người dân hiện nay thì giá xăng của Việt Nam đã ở mức cao so với các nước trên thế giới. Vì vậy, cơ sở tăng khung thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít của Bộ Tài chính liệu có xác đáng?
Giá xăng chiếm gần 13% thu nhập của người dân
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 10.4.2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam). Mức giá bán lẻ xăng RON 92 của Việt Nam - cập nhật đến ngày 6.4.2017 là 17.230 đồng/lít (tương đương với 0,76 USD).
Tuy nhiên, khi tính tới thu nhập bình quân của người dân thì giá xăng của Việt Nam lại ở mức rất cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người ước tính hiện nay là 2.200 USD, tương ứng khoảng 49 triệu đồng/năm và hơn 4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 133.000 đồng, và giá một lít xăng hiện nay tương ứng với gần 13% mức thu nhập này. So với các nước như: Thái Lan (khoảng 6%), Trung Quốc (gần 5%), Singapore (gần 1%)... giá xăng của Việt Nam đang chiếm rất lớn trong thu nhập của người dân và được xem là rất đắt.
Trao đổi với báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng quan điểm tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) do giá xăng dầu trong nước thấp là không công bằng. Hiện giá xăng của Việt Nam vẫn cao hơn rất nhiều nước, đặc biệt là những nước có năng lực cạnh tranh tốt hơn Việt Nam như Mỹ, Malaysia... Theo vị chuyên gia này, khi nói đến sự cao thấp của giá xăng dầu cần so sánh với thu nhập bình quân đầu người. Giá xăng dầu cao trong khi thu nhập của người dân vẫn còn thấp nghĩa là không khoan thư sức dân.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất tăng khung thuế BVMT của Bộ Tài chính lên 8.000 đồng/lít, ông Long nhận định rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu đánh thuế BVMT ở mức cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân. Vô hình trung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ rất là yếu.
Ngoài ra việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp nhất của thế giới. Nếu đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp thì là điều không hợp lý.
Đồng quan điểm với ông Long, TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển) cũng cho rằng đánh giá về mức độ cao thấp trong giá xăng của một quốc gia thì cần phải xét đến thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó. Chưa kể đến việc, khi thuế tăng sẽ kéo giá xăng tăng và hiệu ứng "té nước theo mưa" diễn ra ở hầu hết lĩnh vực khác có chi phía đầu vào là xăng dầu.
Theo vị chuyên gia này, đề xuất nâng khung thuế của Bộ Tài chính dường như chỉ nhìn vào khía cạnh thu ngân sách nhà nước, chưa đánh giá những tác động liên quan đến người dân hay nền kinh tế.
Thu nhiều, chi ít?
Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.
Cụ thể, năm 2012, số thu từ thuế BVMT là 11.160 tỉ đồng, đến năm 2016 con số này tăng lên 42.393 tỉ đồng, tương đương với mức tăng gấp 4 lần. Được biết, thời điểm này số thu thuế cao là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít vào giữa năm 2015.
Trong khi đó, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, năm 2012 chi 9.000 tỉ đồng và năm 2016 nhỉnh lên 12.290 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách. Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng. Thực tế này đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về vấn đề hiệu quả sử dụng số thu thuế trên vào môi trường, số còn lại sẽ được chi đi đâu thì vẫn là một ẩn số.
Liên quan đến vấn đề chi và thu thuế BVMT, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật NSNN như chi đầu tư phát triển (chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp...), chi đảm bảo xã hội (bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định)... Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến BVMT như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông...
Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường, ông Thi cho biết Bộ Tài chính đã có Thông tư số 02/2017/TT-BTC quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm”.
Theo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách.
"Như vậy, hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn bố trí riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường", ông Thi nói.
Tuyết Nhung