Câu chuyện về tăng lương cho giáo viên lúc nào cũng là đề tài nóng trên các diễn đàn và cả trong nghị trường Quốc hội.

Tăng lương cho giáo viên: Họ xứng đáng nhận thành quả của mình

04/04/2016, 12:10

Câu chuyện về tăng lương cho giáo viên lúc nào cũng là đề tài nóng trên các diễn đàn và cả trong nghị trường Quốc hội.

Vào ngày 11.11.2015, Quốc hội đã “quyết” thông qua dự toán ngân sách ngăm 2016, trong đó có việc tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1.5.2016.

Trao đổi với phóng viên, giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuyên bố "đến năm 2010 thì các giáo viên có thể sống được bằng lương của mình" và có người tin, có người lại không tin. Đến tận đầu năm 2016, khi việc tăng lương cho giáo viên tiếp tục được làm nóng lên thì lại xuất hiện những ý kiến khác nhau về việc người nào xứng đáng được tăng lương. Theo tôi, bất cứ người nào, cứ đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho các em học sinh thì đều xứng đáng được tăng lương, xứng đáng nhận thành quả của mình".

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chị Nguyễn Thị Hậu (giáo viên Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội) cho biết: "Tôi có nghe thông tin được tăng lương cơ bản từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng từ ngày 1.5.2016. Tuy nhiên dù tăng như vậy nhưng mức lương của tôi vẫn dưới 3 triệu đồng/tháng; thêm các khoản đứng lớp hay trông bán trú, phụ cấp thì mỗi tháng được gần 6 triệu. Với mức lương như vậy, ở thành phố và nuôi 2 con nhỏ đang độ tuổi học tiểu học, nhà tôi cũng gặp khó khăn trong việc chi tiêu cho gia đình".

Cô giáo Tú Anh (giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa) tâm sự: "Bản thân là một người trẻ, ra trường cũng được 4 năm nhưng mức lương của tôi chỉ được gần 4 triệu kể cả phụ cấp. Ngoài việc dạy ở trên lớp tôi phải nhận dạy gia sư cho các em để kiếm thêm thu nhập cho gia đình".

Về việc "tăng lương cơ bản lên 5%", nhiều thầy cô giáo đồng cảm cho rằng giáo viên sử dụng gần như toàn bộ thời gian của mình vào việc dạy dỗ các em học sinh. Ngoài khoảng thời gian dạy trên lớp thì giáo viên phải đảm nhiệm việc soạn giáo án, chú ý các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cá biệt. Nhiều giáo viên có con nhỏ, công việc bận bịu phải thuê thêm người giúp việc với mức lương cũng 3 triệu đồng/tháng nên hầu như giáo viên nào cũng phải "làm nghề tay trái" để đủ trang trải.

Việc tăng lương cho giáo viên thu hút được sự chú ý của dư luận

Bên cạnh hy vọng về một cuộc sống khấm khá hơn, một số giáo viên lại tỏ ra bi quan trước ý kiến lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp, bởi phụ cấp thâm niên từ năm ngoái họ vẫn chưa nhận được thì nói gì đến chuyện tăng lương định kỳ hay vấn đề khác. Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến cho rằng lương giáo viên hiện nay không hề thấp với mặt bằng xã hội, thậm chí còn cao hơn các ngành nghề khác. Các ý kiến này cho rằng giáo viên được nghỉ 3 tháng hè như học sinh mà vẫn nhận được đầy đủ lương của 3 tháng hè đó.

"Tăng lương thì cần phải tăng cả chất lượng giáo dục. Thực tế là cho dù có tăng lương cao tới mức nào đi nữa thì các giáo viên vẫn dành nhiều thời gian cho việc dạy thêm bên ngoài. Hay như vì thành tích này, phong trào kia nên giáo viên phải dành thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn nhiều hơn. Cứ hàng năm các giáo viên lại cho rằng lương không đủ sống, rồi tìm cách "bổ sung tài chính" bằng các công việc ở ngoài. Các em học sinh theo đó cũng không muốn thi vào sư phạm. Chế độ đãi ngộ không hợp lý, người thầy không còn tâm huyết với nghề, cái vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn không dứt điểm được", anh Nguyễn Quang, kỹ sư phần mềm công ty GIG chia sẻ.

Làm thế nào để giáo viên sống được bằng đồng lương của mình là trăn trở không chỉ của riêng ngành giáo dục, mà còn là mối quan tâm chung của các ban, ngành Trung ương, các địa phương và toàn xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển thì trong suốt 6 - 7 năm qua, nhà nước đã tăng lương cơ bản cho giáo viên; đồng thời thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút và sắp thực hiện phụ cấp thâm niên. Trong thời gian 5 năm tới, Quốc hội và bộ, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách lương giáo viên như trên và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, từ đó đời sống của giáo viên sẽ tốt hơn.

Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng lương cho giáo viên: Họ xứng đáng nhận thành quả của mình