Tính đến thời điểm hiện tại, các động thái cải cách nền kinh tế của Nhà nước và Chính phủ mới đã chính thức diễn ra được gần 3 tháng. Trong khoảng thời gian sôi động đó, đã có rất nhiều những nỗ lực và chương trình cải cách được Chính phủ đưa ra và bắt tay vào thực hiện.

Tăng lương tối thiểu và BHXH: Góc khuất ngăn cản các DN phát triển?

Nhàn Đàm | 20/07/2016, 11:50

Tính đến thời điểm hiện tại, các động thái cải cách nền kinh tế của Nhà nước và Chính phủ mới đã chính thức diễn ra được gần 3 tháng. Trong khoảng thời gian sôi động đó, đã có rất nhiều những nỗ lực và chương trình cải cách được Chính phủ đưa ra và bắt tay vào thực hiện.

Tuy nhiên, một thực tế cần thừa nhận làcác nỗ lực và chương trình cải cách của Chính phủ mới chỉ tập trung vào lĩnh vực khuyến khích khởi nghiệp, với điển hình là việc gỡ bỏ khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh không hợp lệ cũng như công bố đề án “Quốc gia khởi nghiệp” với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định. Trong khi đó, các nỗ lực hỗ trợ và thúc đẩy các DN đang hoạt động trong nền kinh tế với tổng số lượng lên đến hơn 500.000 thì lại chưa có nhiều.

Các hỗ trợ về vốn, giảm thuế hay về chính sách dành cho các DN đang hoạt động hầu như chỉ có rất ít, và điều này đang trực tiếp tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm. Trong số đó, có một góc khuất không hợp lý đang ngăn cản các DN phát triển nhưng chưa được đề cập và giải quyết một cách thỏa đáng, đó là câu chuyện về tăng lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trên thực tế, vấn đề liên quan đến việc tần suất và mức độ tăng lương tối thiểu, BHXH cho người lao động của Việt Nam chưa phù hợp không phải là một câu chuyện mới, khi từ lâu nó đã được xem là một yếu tố có tác động lớn tới khả năng phát triển của các DN Việt Nam. Nhưng chỉ đến gần đây, khi áp lực hội nhập và cải cách nền kinh tế đè nặng hơn trên vai Chính phủ, thì vấn đề này mới lại được đề cập đến. Trong bối cảnh Chính phủ mới không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016, nhưng xuất khẩu cùng hoạt động của các DN trong nước đang có dấu hiệu chững lại, thì việc xem xét cắt giảm các quy định và các khoản thu không phù hợp là điều cần làm để kích thích nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Một trong những bộ phận DN đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tần suất và mức độ tăng lương tối thiểu và BHXH cho người lao động chưa phù hợp là các DN dệt may, và được lãnh đạo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra trong buổi họp báo về tình hình ngành dệt may 6 tháng đầu năm hôm 18.7 vừa qua. Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2016 là 30 tỉUSD sẽ khó đạt được, khi mà kim ngạch xuất khẩu của ngành trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 12,6 tỉUSD, mới chỉ đạt 41% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, khi đề cập đến các thách thức lớn nhất đối với các DN dệt may ở thời điểm hiện tại, thì vấn đề tăng lương tối thiểu và BHXH lại một lần nữa trở thành tâm điểm. Cụ thể, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may hay da giày đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các DN. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008 - 2016 mức lương tối thiểu vùng với các DN trong nước đã tăng bình quân khoảng 26,4%/năm (đối với các DN FDI là khoảng 18,1%/năm).

Tuy nhiên, theo phản ánh của VITAS, thì mức tăng trưởng trung bình hàng năm của lương tối thiểu đang cao hơn nhiều so với các chỉ số vĩ mô liên quan khác, chẳng hạn như cũng trong giai đoạn 2008 - 2016 thì chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng bình quân khoảng 10,7%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng trung bình 3,9%/năm. Theo nhận định của VITAS, thì tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường lao động.

Trên thực tế, đa phần các DN Việt Nam nói chung và DN dệt may trong nước nói riêng có quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu thiên về gia công với giá trị gia tăng không cao, vì thế việc tần suất và quy mô tăng lương tối thiểu quá cao đang là một vấn đề đe dọa nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN này. Nó khiến cho chi phí sản xuất gia tăng, tính cạnh tranh của DN giảm và khả năng tái đầu tư lợi nhuận vào sản xuất tương đối thấp.

Vấn đề BHXH cho người lao động ở Việt Nam cũng tương tự. Trên thực tế các khoản đóng góp cho BHXH luôn chiếm một phần lớn chi phí của các DN. Theo thống kê, tổng mức lợi nhuận mà các DN Việt Nam phải đóng cho các khoản thuế phí hàng năm là khoảng 39,4%, thuộc diện cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng thực tế thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam cũng chỉ đang ở mức khoảng 15-20%, không chênh lệch nhiều với các nước trong khu vực.

Yếu tố khiến cho tổng mức thuế phí mà DN Việt Nam phải đóng cao như vậy một phần lớn là do các khoản đóng góp cho BHXH, cụ thể là tỷ lệ đóng góp của bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam đang cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các nước trong khu vực (23,7% so với 11%). Nếu tính tổng cộng tất cả các khoản đóng góp mà các DN nói chung và DN dệt may nói riêng phải chịu, thì hiện đang cao hơn tất cả các quốc gia cạnh tranh hàng đầu với Việt Nam trong lĩnh vực hàng dệt may như Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia hay Indonesia.

Theo ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, thì tỷ lệ tăng lương tối thiểu (15-17% mỗi năm) hiện đang có một khoảng cách nhất định đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Và việc điều chỉnh tỷ lệ này nên căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm đó sẽ hợp lý hơn.

Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự mâu thuẫn căn bản giữa một bên là Nhà nước muốn tăng lương cho người lao động và một bên là DN muốn giãn việc tăng lương tối thiểu ra xa hơn, là do sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề. Hội đồng tiền lương quốc gia thì cho rằngmức lương tối thiểu hiện nay không đủ để đảm bảo điều kiện sốngcho người lao động kể cả sau khi tăng đi nữa, trong khi đó các DN lại đang trả lương căn cứ vào tình hình thực tế về sản xuất, lợi nhuận và nhất là năng suất lao động.

Trong bối cảnh các DN Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, chủ yếu thiên về gia công có giá trị gia tăng thấp, thì việc đòi hỏi một mức lương dựa theo tiêu chuẩn điều kiện sống thay vì các yếu tố tác động trực tiếp đến lương của người lao động như năng suất lao động và tình hình kinh doanh của các DN rõ ràng là không phù hợp. Và thay vì áp đặt một biểu lương không phù hợp, thì điều cần làm hơn là hỗ trợ các DN phát triển mạnh hơn. Một khi DN có hiệu suất kinh doanh cao hơn thì cũng sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng thu nhập cho người lao động.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng lương tối thiểu và BHXH: Góc khuất ngăn cản các DN phát triển?