Theo tờ The Guardian, các trường đại học Mỹ là mặt trận mới trong cuộc loại bỏ TikTok.
TikTok đã bị cấm cài đặt trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang lẫn trên thiết bị của chính quyền 31 tiểu bang nước Mỹ. Giờ đây hạn chế lan đến các trường đại học: vài tuần gần đây Đại học Auburn, Đại học Oklahoma, Đại học Texas A&M cùng nhiều trường khác tiến hành chặn truy cập TikTok trên hệ thống internet trường.
Động thái trên khả thi vì quy định trường học cho phép chặn truy cập một số trang web như biện pháp ngăn nội dung có hại và khiêu dâm. Quy định trên hoàn toàn có thể mở rộng áp dụng cho ứng dụng cụ thể, chẳng hạn trường hợp mạng xã hội Yik Yak trước đây.
Sinh viên các trường chặn TikTok đã lên tiếng phàn nàn và dùng nhiều cách khác để tỏ ý bất mãn, thậm chí có trường hợp thách thức: “Hãy xem liệu tôi có thể đăng bài lên TikTok nữa không?”.
Một số tổ chức ủng hộ quyền tự do internet cũng cho rằng chặn truy cập TikTok như vậy là hình thức kiểm duyệt sai lầm. Theo chủ tịch đơn vị giám sát truyền thông phi lợi nhuận Media Matters for America Angelo Carusone: “Đây là phần mở rộng của hành động vụng về và cực đoan đối với TikTok được thực hiện ở cấp tiểu bang. Quy định cấm sẽ không hiệu quả, chẳng làm được gì ngoài ghi điểm chính trị và tạo gánh nặng lên cơ sở hạ tầng”.
Chặn truy cập TikTok trên thiết bị nhà nước hay thiết bị nhà trường rất dễ thực hiện, nhưng sinh viên hoàn toàn có thể truy cập bằng dữ liệu di động thay vì internet trường. Chuyên gia công nghệ Mike Parkin (công ty an ninh mạng Vulcan Cyber) cho biết: “Quy định cấm hầu như không gây bất tiện cho sinh viên và khá khó khăn - nếu không nói là bất khả thi - cả về mặt kỹ thuật lẫn đạo đức nếu áp dụng cho cả thiết bị cá nhân của họ”.
Quy định cấm cũng có thể khiến mạng internet trường tắc nghẽn, khiến thiết bị của sinh viên chạy chậm và kém hiệu quả hơn. Người phát ngôn TikTok Jamal Brown chỉ trích quy định này, đồng thời khuyến cáo việc chặn truy cập sẽ ảnh hưởng khả năng kết nối - chia sẻ thông tin trong trường.
Hầu hết trường tiến hành chặn truy cập TikTok đều là đơn vị giáo dục nhận ngân sách nhà nước ở các tiểu bang loại bỏ ứng dụng này. Chủ tịch Carusone lo ngại cuộc chiến chống TikTok sắp leo thang trong vài tháng tới khi Mỹ chính thức bước vào thời gian tranh cử Tổng thống 2024, vì hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều chủ trương cứng rắn với Trung Quốc để thu hút cử tri.
Chuyên gia Gillian Diebold (Trung tâm Đổi mới dữ liệu) nhận định nguy cơ an ninh tồn tại trên mọi ứng dụng mạng xã hội chứ không riêng gì TikTok, do đó Mỹ nên thực hiện biện pháp căn cơ hơn, chẳng hạn thông qua luật bảo mật dữ liệu quốc gia, bắt buộc minh bạch về dữ liệu thu thập, thực thi mã hóa nội dung đầu cuối trên tất cả ứng dụng mạng xã hội.