Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua thì từ ngày 1.7 tới, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch trần 4.000 đồng, mỗi lít xăng sẽ phải "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường.

Tăng thuế môi trường với xăng lên kịch trần từ tháng 7.2018

tuyetnhung | 23/02/2018, 11:35

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua thì từ ngày 1.7 tới, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch trần 4.000 đồng, mỗi lít xăng sẽ phải "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường.

Bộ Tài chính mới đây đã công bố Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Bộ này đề xuất tăng đồng loạt thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, như: Dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng; Dầu mazut từ 900 đồng lên 2.000 đồng; Dầu nhờn từ 900 đồng lên 2.000 đồng; Mỡ nhờn từ 900 đồng lên 2.000 đồng. Đặc biệt, với xăng, mức đề xuất được đưa ra tăng kịch khung lên đến 4.000 đồng từ mức 3.000 đồng hiện tại.

Lý giải về đề xuất tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng do mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Cụ thể, số thuế thu từ hai thị trường Trung Quốc và Asean đã giảm mạnh do nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm tỷ lệ lớn trên 60%. Theo đó, Bộ này cho rằng nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít sẽ làm giá bán xăng dầu tăng lên để tăng thu ngân sách.

Với phương án đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng một năm, tăng khoảng 15.684 tỉ đồng mỗi năm.

Tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2017 khoảng 150.810 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỉ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.

Số thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được cho là tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng ; năm 2016 là 44.323 tỉ đồng và năm 2017 khoảng 44.825 tỉ đồng. Bộ Tài chính dự kiến tăng biểu thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo này từ ngày 1.7 tới.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện nay là chưa hợp lý, bởi vì xu hướng thế giới là thu đầu ra (không thu đầu vào), thuế phát sinh ở đâu thu ở đó. Nếu thu ở đầu vào, sẽ thất thu thuế vìkhông kiểm soát được buôn lậu xăng dầu. Như vậy, vô tình làm buôn lậu xăng tăng, để hưởng chênh lệch, làm méo mó thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, thu thuế môi trường ở đầu vào còn làm tăng chi phí doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải chịu cả thuế cho phần sản phẩm tiêu hao và phải vay tiền trước để nộp thuế, chịu thêm lãi suất ngân hàng. Từ đó, các chi phí này được đưa vào giá xăng dầu, làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích người tiêu dùng.

Việc thu thuế tại khâu nhập khẩu cũng được ông Long cho là tạo bất cập cho triển khai Luật Ngân sách Nhà nước. Vì theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015, toàn bộ số thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu nhập khẩu sẽ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương. Trong khi số thu thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu trong nước được phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương. Trong vài năm tới, xăng dầu trong nước chỉ được sản xuất tại Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa), như vậy sẽ phân chia số thu về các địa phương khác thế nào? Đặc biệt, khi sản phẩm xăng dầu 2 nhà máy này sẽ đáp ứng tới xấp xỉ 90% nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, một nghịch lý khác là từ ngày 1.1.2018 sẽ áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải mới, với tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thay mức Euro 2 hiện nay. Khi triển khai đề án này thì cần có chính sách ưu đãi thuế bảo vệ môi trường với từng loại xăng dầu khác nhau để khuyến khích người dân dùng các sản phẩm xăng dầu ít ảnh hưởng môi trường.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng thuế môi trường với xăng lên kịch trần từ tháng 7.2018