Ngày 27.10, hội nghị toàn thể lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 18 (gọi tắt là hội nghị trung ương 6) của đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí sau 4 ngày họp tại thủ đô Bắc Kinh. Thông cáo nhấn mạnh Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “hạt nhân của Trung ương đảng” và đại hội đảng lần thứ 19 sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2017 tại Bắc Kinh.

Tập Cận Bình là 'hạt nhân của Trung ương đảng'

28/10/2016, 08:20

Ngày 27.10, hội nghị toàn thể lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 18 (gọi tắt là hội nghị trung ương 6) của đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí sau 4 ngày họp tại thủ đô Bắc Kinh. Thông cáo nhấn mạnh Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “hạt nhân của Trung ương đảng” và đại hội đảng lần thứ 19 sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2017 tại Bắc Kinh.

Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn - Ảnh: China Daily
Theo giới quan sát, hội nghị trung ương 6 lần này rất quan trọng với đảng Cộng sản Trung Quốc, với đất nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư Tập Cận Bình vì những vấn đề được đưa ra thảo luận.

Hội nghị trung ương 6 với nhiều nội dung quan trọng

Theo báo The Straits Times, trong số nội dung được đưa ra thảo luận có hai văn bản quan trọng là “Dự thảo quy tắc về sinh hoạt chính trị nội bộ đảng trong tình hình mới” và “Dự thảo điều lệ giám sát trong nội bộ đảng”.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhận định vấn đề thay đổi tuổi về hưu của các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cũng được bàn thảo tại hội nghị quan trọng này. Theo đó, thay vì tuổi 68 như hiện nay thì có thể sẽ tăng lên một độ tuổi nhất định khác hoặc có quy định về những trường hợp đặc biệt.

Đây được xem là động thái chuẩn bị của Tổng Bí thư Tập Cận Bình để có thể nắm giữ quyền lực khi nhiệm kỳ khóa 19 kết thúc, cùng với đó là nhằm giữ chân các cán bộ chủ chốt trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hiện nay.

Trong số đó, quan trọng nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn - người được xem là cánh tay mặt của Tập Cận Bình, được cho là sẽ rời quyền lực sau đại hội 19 khi đã tới tuổi hưu.

Theo Nikkei Asian Review, việc này còn có mục đích nhằm ngăn cản Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể ngồi vào ghế của ông Tập sau nhiệm kỳ khóa 19. Bởi lẽ, theo “luật bất thành văn” hiện nay, khi nhiệm kỳ khóa 19 kết thúc, ông Tập Cận Bình có tuổi 69 và sẽ về hưu còn Thủ tướng Lý Khắc Cường mới ở tuổi 67 và có thể sẽ nắm vị trí cao nhất của đảng và nhà nước.

Đây được xem là một việc mà ông Tập không mong muốn, do vậy ông sẽ tìm cách để điều đó không diễn ra và nâng tuổi hưu là khả thi nhất.

Tuy nhiên, với cá nhân người viết thì việc thay đổi một số vấn đề trong điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ nhằm giúp ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực và ngăn chặn các đối thủ của ông. Sự việc này có ý nghĩa chính trị lớn hơn rất nhiều và có thể nhận diện đây là bước đi quan trọng trong xây dựng hình ảnh lãnh tụ Tập Cận Bình của đất nước Trung Hoa. Tại sao lại nhận định như vậy?

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn - Ảnh: SCMP

Bảo đảm thành công của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”

Có thể thấy chiến dịch thanh trừng cán bộ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền tại Trung Quốc ngày càng cam go và vô cùng phức tạp. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, có tới 1 triệu cán bộ bị điều tra từ khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” được Tập Cận Bình khởi phát và thúc đẩy.

Qua vụ hối lộ bầu cử chấn động tại tỉnh Liêu Ninh cho thấy công tác làm trong sạch bộ máy công quyền mới đi được một chặng đường rất ngắn ngủi. Sự quyết liệt của chiến dịch thanh trừng đã gây ra nhiều tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội. Từ hiệu ứng đó có người ủng hộ nhà lãnh đạo, cũng có người phản ứng tiêu cực, dù có thể họ không dính chàm.

Điều đó cho thấy những tác động tích cực của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tới đời sống xã hội gia tăng thì đồng thời cũng làm gia tăng những hiệu ứng tiêu cực với quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Sự song hành nguy hiểm đó khiến cho quá trình làm trong sạch cán bộ tại Trung Quốc khó mà thành công nếu không tìm cách giảm hiệu ứng tiêu cực với quá trình này. Do đó, nếu thay đổi điều lệ đảng chỉ nhằm tới các cộng sự và những người đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” thì đó là một bước đi nguy hiểm.

Nếu như vậy, công cuộc trong sạch hóa bộ máy công quyền của ông Tập Cận Bình sẽ chỉ đạt được kết quả bề nổi với những vụ việc bị phát hiện, phanh phui và sẽ kết thúc khi ông Tập rời quyền lực.

Với tầm nhìn và tham vọng của mình, có thể nhận diện ông Tập Cận Bình sẽ không chấp nhận “chiến dịch cuộc đời” của ông đầu voi đuôi chuột và chết yểu khi ông rời chốn quan trường.

Vì thế ông thúc đẩy sửa đổi điều lệ đảng ngoài mục đích củng cố quyền lực và giữ lại các cộng sự thân tín thì còn bảo đảm quyền lực cho cả các đối thủ của ông. Bởi lẽ với tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì chưa thể biết khi nào mới “đả hết hổ” và khi nào mới “diệt hết ruồi”.

Do vậy, ông sẽ tìm cách “dùng độc trị độc”, nghĩa là làm phân hóa lực lượng phản ứng tiêu cực với chiến dịch thanh trừng của ông. Chỉ có như vậy thì mới bảo đảm chiến dịch thắng lợi ngay cả khi ông rời khỏi vũ đài chính trị.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP

Như vậy, tập trung quyền lực chỉ là mục tiêu nhỏ trong sửa đổi điều lệ đảng, ban hành những quy tắc cho hoạt động của đảng trong hội nghị trung ương 6 lần này. Tập trung mọi lực lượng, tạo ra khối đoàn kết quanh nhà lãnh đạo mới là mục đích của hành động. Ông Tập Cận Bình dần dần sẽ đứng trên mọi phe phái trong hình ảnh lãnh tụ của đất nước Trung Hoa.

Bảo đảm mọi di sản phải được lưu giữ và kế thừa

Hiện nay, với quyền lực tuyệt đối ông Tập Cận Bình đã gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các cựu lãnh đạo tiền nhiệm, do vậy mọi thành quả của ông không thể chắc chắn sẽ được lưu giữ và kế thừa khi ông rời bỏ quyền lực. Đặc biệt khi những người kế nhiệm ông không thuộc lực lượng ủng hộ ông, thậm chí có thể là đối thủ của ông.

Ông Tập Cận Bình sẽ không chấp nhận những di sản của ông để lại trở nên vô giá trị, thậm chí có thể gây hại cho ông. Với thái độ quyết liệt của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” và hiệu ứng tiêu cực đối với một lực lượng công quyền hiện nay, ước vọng của ông Tập Cận Bình khó thành hiện thực khi ông hết quyền lực.

Do vậy, làm sao phân hóa rồi cảm hóa các lực lượng chống đối trở thành lực lượng thân tín là một trong những yêu cầu quan trọng với ông Tập Cận Bình khi điều kiện về thời gian và quyền năng của ông còn đủ để có thể làm việc ấy.

Hội nghị trung ương 6 lần này được xem là thời điểm quan trọng nhất để ông xúc tiến việc làm phân rã lực lượng chống đối. Bởi lẽ, hội nghị trung ương 7- hội nghị cuối cùng của BHC Trung ương khóa 18 - sẽ là hội nghị tổng kết, bổ sung, hiệu chỉnh báo cáo chính trị cũng như hoàn tất vấn đề nhân sự cho đại hội 19.

Rõ ràng, lúc đó mọi phương án đã phải chuẩn bị xong cũng như nhân sự đã phải nhận diện được. Thời điểm đó mà phương án còn phải hiệu chỉnh là quá chậm trễ.

Vì vậy, nội dung hội nghị trung ương 6 lần này rất quan trọng nhưng ông Tập Cận Bình sẽ không làm cho vấn đề căng thẳng vì điều đó không có lợi cho quyền lực của ông. Nhiều phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ để đổi lấy việc kéo dài thời gian làm việc của các cộng sự thân tín của ông khi “chiến dịch cuộc đời” của ông còn đang rất cần có họ.

Cá nhân người viết cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không chọn thỏa hiệp hay nhượng bộ mà ông sẽ thúc đẩy thay đổi để cả phía ông và phía các đối thủ đều có lợi. Bởi nhượng bộ thì sẽ đến lúc ông phải đánh đổi và đương nhiên quyền lực sẽ bị hạn chế, còn thỏa hiệp thì mục đích của ông sẽ có thể bị mục đích của đối thủ làm nhạt nhòa, chệch hướng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng quy tắc hóa mọi hoạt động của đảng là một trong những cách làm tốt nhất để có thể kiểm tra, giám sát - Ảnh: THX

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng quy tắc hóa mọi hoạt động của đảng là một trong những cách làm tốt nhất để có thể kiểm tra, giám sát, qua đó nhận diện được “ta và bạn của ta”, từ đó sẽ thực hiện phân hóa đối thủ, cảm hóa đối lập và củng cố vững chắc quyền lực của nhà lãnh đạo mà không phụ thuộc vào thời gian của các nhiệm kỳ.

Vậy có thể nhận diện ông Tập Cận Bình đã làm theo cách đó, bởi hai văn bản quan trọng là “Dự thảo quy tắc về sinh hoạt chính trị nội bộ đảng trong tình hình mới” và “Dự thảo điều lệ giám sát trong nội bộ đảng” chính là quy tắc hóa hoạt động của đảng. Điều đó giúp cho hình ảnh và giá trị những di sản của nhà lãnh đạo hiện nay sẽ luôn là kim chỉ nam cho cán bộ đảng viên.

Có thể thấy rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang từng bước xây dựng hình ảnh vị lãnh tụ của đất nước Trung Hoa trong thế kỷ 21. Do đó, giới phân tích cho rằng người dân Trung Quốc đang ngày càng so sánh Chủ tịch Tập Cận Bình giống như Chủ tịch Mao Trạch Đông-vị lãnh tụ duy nhất từ thời lập quốc đến nay.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
3 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập Cận Bình là 'hạt nhân của Trung ương đảng'