Căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ đang gia tăng theo độ ác liệt trên chiến trường Syria và độ gay cấn trong cuộc đua giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Tổng thống Obama đã cáo buộc Nga gây tội ác chiến tranh còn ứng cử viên Hillary Clinton chỉ mặt gọi tên rằng ông Putin là “kẻ phá đám” bầu cử tổng thống Mỹ.
Trên bình diện quốc tế hiện nay, dường như Moscow đang ở thế thượng phong so với Washington và đang có những bước đi dài, khẳng định vị thế chiến lược.
Từ quyết định đình chỉ hiệp ước cắt giảm hạt nhân Nga-Mỹ đến việc thông qua đạo luật cho phép quân đội Nga có thể hiện diện vô thời hạn tại Syria đều thể hiện hành động quyết liệt của Moscow.
Tuy nhiên, tận dụng thế thượng phong để thực hiện những bước đi chiến lược, Kremlin càng khiến nước Nga gặp khó khăn để thoát cấm vận của Washington và đồng minh đối với Nga sau “sự kiện Crimea”.
Hậu quả của cấm vận là rất nặng nề với cuộc sống người dân Nga, đã tước mất của nước Nga nhiều thành quả mà hàng thập niên phát triển mới có được.
Để Mỹ và phương Tây có thể áp cấm vận Nga là sai lầm của Tổng thống Putin khi xử lý ván cờ Ukraine và đặc biệt là tiến trình sát nhập bán đảo Crimea vào nước Nga. Mà sai lầm của ông Putin có nguyên nhân do thể chế nước Nga chưa hoàn thiện.
Vì vậy, để tránh lặp lại sai lầm thì Putin cần phải hoàn thiện thể chế cho nước Nga trước khi đi những nước cờ chiến lược.
Putin cho rằng toàn nước Nga đứng sau lưng ông
Putin vừa có thắng lợi chính trị rất quan trọng, đó là chiến thắng vang dội của đảng Nước Nga thống nhất trong cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) hồi tháng 9.2016. Chiến thắng đó giúp đảng chính trị của Tổng thống Putin giành được 343/450 ghế trong Duma quốc gia, bảo đảm đủ 2/3 số ghế cần thiết để có thể sửa đổi hiến pháp.
Đây là cơ hội để Tổng thống Putin hoàn thiện thể chế chính trị, bảo đảm an toàn cho nước Nga và cho sinh mạng chính trị của ông.
Năm 2011, đảng Nước Nga thống nhất đã thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống Nga từ 4 năm lên 6 năm, bảo đảm cho ông Putin – lúc đó đang là thủ tướng Nga – có thể nắm quyền lực lâu hơn để hoàn thành các ý nguyện của ông. Song Tổng thống Putin không nhân cơ hội đó tiến thêm một bước trong quá trình hoàn thiện thể chế cho nước Nga.
Mỹ tố Nga phạm tội ác chiến tranh khi máy bay Nga tăng cường không kích ở Aleppo (Syria). Biếm họa của Nate Beeler (báo The Columbus Dispatch)
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Putin luôn có độ tín nhiệm cao của người dân Nga, thậm chí có lúc đạt tới trên 85% số người được thăm dò ý kiến. Và Putin cũng là số ít lãnh đạo quốc gia trên thế giới có tỉ lệ ủng hộ của người dân cao như vậy.
Dường như ông Putin xem sự ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò, xem chiến thắng thuyết phục tuyệt đối trong các cuộc bầu cử là biểu hiện toàn nước Nga đứng sau lưng ông và từ đó ông có những quyết định dứt khoát, hạn chế sử dụng cơ chế thực thi quyền lực.
Đây là sai lầm có thể dẫn đến lạm quyền – khi quyền lực đại diện không còn là quyền lực được nhân dân ủy nhiệm.
Không một lãnh đạo quốc gia nào được 100% người dân ủng hộ, nghĩa là không phải được sự uỷ nhiệm của toàn dân, do vậy người lãnh đạo cần phải có một công cụ để có thể thực hiện quyền lực nhân dân, đó chính là pháp luật, mà cao nhất là hiến pháp.
Mọi công dân đều được bảo vệ bởi luật pháp và có trách nhiệm tuân thủ luật pháp, dù có ủng hộ lãnh đạo hay không.
Sai lầm của Putin đã không hoàn thiện thể chế
Hiện tại hệ thống pháp luật của nước Nga chưa được xem là hoàn thiện để có thể bảo đảm sức mạnh Nga bảo vệ được lợi ích Nga trong mọi điều kiện. Tiến trình và hậu quả của việc sát nhập bán đảo Crimea vào nước Nga đã cho thấy rõ điều ấy.
Khi tại Crimea đã có một trưng cầu ý dân thì ở nước Nga cũng phải có một cuộc trưng cầu ý dân để người dân Nga thể hiện ý nguyện.
Khi ý nguyện của đa số công dân Crimea và công dân Nga đồng ý để Crimea về với Nga, lúc đó Quốc hội Nga sẽ biểu quyết thông qua kết quả và cuối cùng là tổng thống tuyên bố chủ quyền của nhà nước Nga với Crimea.
Thực hiện đúng tiến trình như vậy, Mỹ và phương Tây không có bất cứ cơ hội nào để áp cấm vận nước Nga vì đó là ý nguyện của cả dân tộc Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã không tiến hành theo trình tự như vậy.
Tổng thống Nga đã quyết định sát nhập Crimea chỉ với sự ủy nhiệm của Quốc hội – trong khi đây không phải là trường hợp khẩn cấp được quy định trong hiến pháp Nga. Do đó, Mỹ và phương Tây tận dụng sơ hở này, ngay lập tức áp cấm vận đối với nước Nga.
Như vậy là sai lầm của Putin khi không hoàn thiện thể chế đã khiến cho nước Nga phải trả giá rất nặng nề. Nay với việc đảng Nước Nga thống nhất chiếm 2/3 số ghế trong Duma quốc gia, Tổng thống Putin đã có đủ điều kiện thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, hoàn thiện thể chế cho nước Nga - sửa chữa sai lầm của mình.
Nước Nga chỉ có thể trở thành một cường quốc khi có một hệ thống luật pháp đủ mạnh, bảo vệ được quyền lợi cho người dân và thể hiện sức mạnh của nhà nước liên bang Nga.
Hiện tại, Tổng thống Putin đang có nền tảng chính trị mạnh mẽ để thực thi quyền lực sau khi đảng Nước Nga thống nhất thắng lớn. Đảng chính trị của Putin chiến thắng tuyệt đối là bất ngờ với Mỹ và phương Tây.
Trong bối cảnh kinh tế Nga đang hứng chịu hậu quả nặng nề bởi lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu sụt giảm, giới phân tích từng nhận định sự ủng hộ của người dân Nga cho chính quyền Nga và cá nhân Tổng thống Putin sẽ giảm sút. Song khó khăn không làm giảm niềm tin của người dân Nga.
Tổng thống Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi tháng 8.2016 sau khi ông Erdogan gửi thư xin lỗi vụ bắn rơi máy bay Nga - Ảnh: Sputnik
Thái độ quyết đoán trên thế thắng có thể dẫn đến quá đà
Với chiến thắng vang dội sau gần hai thập niên nắm quyền, dư luận đặt câu hỏi Tổng thống Putin thực thi quyền lực ra sao và sẽ đưa nước Nga đi về đâu.
Từ sau chiến thắng chính trị bảo đảm vững chắc cho nền tảng quyền lực, Tổng thống Putin đã có những quyết định được xem là cương quyết và cứng rắn thể hiện quyền uy và chứng minh sức mạnh Nga. Tuy nhiên, thái độ quyết đoán của Putin khiến dư luận nghi ngại Putin sẽ lại quá đà và có thể làm hại nước Nga.
Tổng thống Putin chưa cho thấy có ý định hoàn thiện thể chế cho nước Nga, hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực của nhà nước Nga. Điều đó khiến cho hành động của Putin có thể được xem là “chính trị hóa luật pháp” chứ không phải “luật pháp hóa chính trị” và lại tạo sơ hở cho đối thủ có thể tận dụng, lợi dụng làm hại nước Nga.
Mặt khác, thái độ quyết đoán trên thế thắng thường dẫn đến quá đà và gây hậu quả.
Việc Moscow áp cấm vận với Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện Ankara bắn rơi máy bay Nga là hành động quá đà và nước Nga đã phải trả giá. Cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho nước Nga chịu hai vòng vây cấm vận và cấm vận kép khiến cho kinh tế Nga đã khó lại càng khó khăn hơn.
May mà Erdogan đã xin lỗi Putin và quan hệ Nga-Thổ nhanh chóng được khôi phục vì Ankara nhận ra mình ngậm quả đắng của Washington. Tuy nhiên, sự việt vị trong “sự kiện 17 giây” với Thổ Nhĩ Kỳ luôn là lời cảnh báo không thể nào quên với điện Kremlin và cá nhân Tổng thống Putin.
Hiện nay, quan hệ Moscow-Washington đang căng thẳng. Với thế thượng phong cùng nền tảng quyền lực vững vàng, Tổng thống Putin đang có những quyết định gia tăng sức ép với Washington và quyết làm giảm giá trị di sản của Tổng thống Obama khi rời nhiệm sở. Song nước Nga không hẳn được lợi từ các quyết định của Putin.
Bắc Kinh đang quyết tâm khai thác lợi ích của vị thế “ngư ông đắc lợi” có được từ căng thắng Nga-Mỹ. Trung Nam Hải dường như đang ủng hộ “thế trận hỏa công” giữa Washington và Moscow tại điểm nóng Syria và khi ván cờ tàn thì Bắc Kinh tìm cách nhảy vào chia phần lợi ích.
Điều đó cho thấy Putin sử dụng sức mạnh Nga nhưng chưa hẳn mang lại lợi cho người dân và đất nước Nga.
Ngọc Việt