Phía Tập đoàn Sao Mai vừa có thông tin chính thức về dự án Điện năng lượng mặt trời bị một số người dân khiếu kiện từ do chính sách đền bù.
Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, dự án Điện năng lượng mặt trời mà Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đang triển khai tại ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên (An Giang) đang bị một số người dân khiếu kiện.
Cụ thể, vào tháng 5.2018, Tập đoàn Sao Mai ra thông báo về việc mua đất ruộng của hàng trăm hộ dân khu vực chân núi Cấm (thuộc ấp An Thạnh, xã An Hảo) để triển khai dự án điện mặt trời, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai, Sao Mai đang san lấp mặt bằng, làm hàng rào bao quanh dự án.
Theo một số người dân, ban đầu người của Tập đoàn Sao Mai thông báo mua đất với giá 55 triệu đồng/công (mỗi công = 10.000 m2) với lời nếu sau này giá thị trường tăng sẽ hỗ trợ thêm cho dân. Sau đó, có người bán được đất cho Sao Mai với giá hơn 100 triệu đồng/công, nhưng Sao Mai chỉ hỗ trợ thêm cho những người đã bán trước đây rất ít, tổng cộng chỉ 80 triệu đồng/công.
Một số người dân cho rằng, dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai đi vào hoạt động hiển nhiên sẽ thay đổi được bộ mặt của một xã nghèo ở vùng biên giới. Tuy nhiên, Tập đoàn Sao Mai và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm rõ ràng hơn nữa trong việc chăm lo cuộc sống cho hàng trăm hộ dân không còn đất sản xuất nơi đây, nhất là chính sách đền bù rõ ràng.
Sáng 29.1, thông tin từ Tập đoàn Sao Mai cho biết, dự án điện năng lượng mặt trời này đang gấp rút thi công để kịp đóng điện trước 30.6.2019. Dự án này được Cơ quan Phát Triển Quốc tế Mỹ (USAID) ký kết hỗ trợ. Theo đó, Chương trình V-LEEP của USAID sẽ hỗ trợ Tập đoàn Sao Mai trong lập đánh giá đầu tư ban đầu (IRA), tư vấn mua vật tư trang thiết bị.
USAID cũng giúp xem xét đánh giá hồ sơ thầu để chọn đơn vị tổng thầu thiết kế, cung ứng, xây dựng và lắp đặt hệ thống (EPC), khai thác các lựa chọn về cơ chế tài chính dự án. Đồng thời giúp Tập đoàn Sao Mai nâng cao năng lực phát triển dự án thông qua áp dụng các tiêu chuẩn thực hành toàn cầu hiệu quả nhất.
Theo phía Tập đoàn Sao Mai, đất nông nghiệp ở vùng triển khai dự án mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa ruộng trên, nhưng năng suất bấp bênh vì thủy lợi nội đồng hoàn toàn phụ thuộc vào mùa mưa, nên giá trị đất ở ấp An Thạnh, xã An Hảo cũng rất thấp so với các nơi khác. Cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn cho dù địa phương đã thực hiện nhiều chính sách xóa nghèo.
Để tạo quỹ đất xây dựng dự án, lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương thống nhất với Tập đoàn triển khai phương án “Sao Mai và người dân tự thỏa thuận giá chuyển nhượng”. Theo đó, giá chuyển nhượng ban đầu là 55 triệu đồng/công, cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thật của đất ở khu vực này.
Thống nhất với mức giá đưa ra, rất nhiều hộ dân đã đồng thuận ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Sao Mai. Sau đó, để cuộc sống người dân thoải mái hơn, Tập đoàn đã quyết định nâng lên 80 triệu đồng/công áp dụng cho cả người đã bán trước hay sau.
Riêng đối với một vài hộ có đất nằm rải rác trong dự án tại ấp An Thạnh còn do dự thì Sao Mai thực hiện phương án thuê 25 năm với giá thỏa thuận chứ không phải mua đất với giá hàng trăm triệu đồng hay tiền tỉ/công đất!
Cũng theo phía Sao Mai, bên cạnh hàng ngàn hộ đồng thuận thì bất cứ dự án nào không tránh khỏi có một vài hộ không đồng tình, quan điểm của tập đoàn là cố gắng tạo sự đồng thuận trong thời gian tới.
Huỳnh Hoàng