Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% là có tính khả thi.

Nếu không có biến động bất thường, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi

Sơn Lam | 18/10/2023, 07:00

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% là có tính khả thi.

Kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng những tháng cuối năm 2023.

Thông báo nêu, trong nước, giá cả, cung cầu thị trường cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đặt ra và theo xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16%. Đến nay, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% là có tính khả thi.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường (giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể biến động đảo chiều tăng giá vào cuối năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thường có biến động vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thường tăng theo quy luật…).

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.

Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

lam-phat.jpeg
Có thể đạt mục tiêu giữ lạm phát dưới 4,5%

Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Nghiên cứu rà soát các chính sách có hiệu lực đến hết năm 2023; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

“Chú trọng công tác thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu đạt dự toán ngân sách nhà nước, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết”, Phó thủ tướng nêu.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm…

Xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện phù hợp

Kết luận này cũng nêu rõ, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Đối với mặt hàng điện, Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện; đánh giá tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, trong đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời, khả thi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật.

Về xăng dầu, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; có giải pháp bảo đảm nguồn cung giá xăng dầu và chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi giá thị trường có biến động, bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống phân phối xăng dầu.

Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu.

Đối với vật liệu xây dựng, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giám sát cung cầu, giá cả thị trường các vật liệu xây dựng, đặc biệt đối với cát xây dựng, cát san nền; chú trọng các giải pháp đảm bảo nguồn cung, không để ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình xây dựng trọng điểm.

Bài liên quan
Giá vàng hôm nay biến động thế nào sau khi Ngân hàng Nhà nước hủy buổi đấu thầu?
Sau khi giảm hơn 1 triệu đồng/lượng sáng 22.4, giá vàng SJC lại đảo chiều, vượt mốc 83 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn được điều chỉnh giảm mạnh về mốc 76 triệu đồng/lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu không có biến động bất thường, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi