Không chỉ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý, hải quân Mỹ cũng thực hiện FONOP ở vùng biển Venezuela.

Tàu chiến Mỹ do thám Venezuela nhằm gây áp lực với chính quyền Maduro

Mỹ Trinh | 01/02/2020, 13:19

Không chỉ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý, hải quân Mỹ cũng thực hiện FONOP ở vùng biển Venezuela.

Hôm 30.1, tại cuộc điều trầntrước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc hải quân Craig Faller cho biết tàu chiến đấu cận duyên Detroit của hải quân Mỹ đã thực hiện cuộc FONOP ở ngoài khơi vùng biển của Venezuela, và hoàn thành nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy.

Thông điệp cảnh cáo chế độ cầm quyền ở Venezuela

Theo báo Business Insider, đây là một hoạt động bình thường của hải quân Mỹ, nhưng hoạt động quân sự Mỹ quanh Venezuela càng gây chú ý, vì các nhà lãnh đạo Mỹ đã bàn chuyện can thiệp quân sự vào Venezuela nhằm lật đổ chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.

Trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, chiếc Detroit rời khỏi căn cứ ở bang Florida của Mỹ từ ngày 31.10.2019, để hỗ trợ Martillo, một chiến dịch chống ma túy với nhiều nước tham gia, tại khu vực được quản lý bởi Bộ Tư lệnh quân Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh ( US Southern Command), cơ quan chịu trách nhiệm các hoạt động quân sự trong và quanh Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Đô đốc Faller là chỉ huy US Southern Command, nói chiếc Detroit cũng thực nhiệm vụ gìn giữ luật phápkhi nó hoạt động ở vùng biển mà Venezuela tuyên bố chủ quyền nhưng luật pháp quốc tế không công nhận.

Theo Business Insider, có vẻ ông Faller đề cập một hoạt động của chiếc Detroit vào ngày 21.1.2020, thời điểm mà các dữ liệu hàng hải ghi nhận chiếc Detroit di chuyển cách vùng biển thuộc thủ đô Caracas của Venezuela khoảng 26 hải lý, tức không xâm phạm lãnh hải của Venezuela. Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), lãnh hải được cho kéo dài 12 hải lý từ bờ biển của một quốc gia.

Dữ liệu truy vết hàng hải cũng phát hiện một tàu tuần duyên Venezuela bám theo chiếc Detroit suốt hải trình. Đến tối 21.1.2020 thì hai tàu “chia tay”, khi tàu tuần tra trở về Venezuela, còn chiếc tàu chiến Mỹ hướng về phía bắc.

Khi được hỏi về sự kiện này, US Southern Command nói chiếc Detroit thực hiện quyền tự do hàng hải ở vùng hải phận quốc tế, bên ngoài lãnh hải Venezuela, đồng thời nhấn mạnh: “Tất cả các hoạt động của chúng tôi được thiết kế nhằm tiến hành theo đúng luật hàng hải và chứng minh Mỹ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

US Southern Command còn nói tàu chiến Mỹ “thực hiện định kỳ các hoạt động FONOP trên toàn thế giới, nhưng vì lý do an ninh nên chúng tôi không cho biết địa điểm và thời gian cụ thể của hoạt động này”.

Theo Business Insider, tàu chiến và máy bay của hải quân Mỹ thường đi vào không phận, hải phận gần Venezuela vốn cũng có tranh chấp chủ quyền biển với các nước láng giềng, nhất là Guyana.

Các hoạt động quân sự Mỹ tại khu vực rất thu hút sự chú ý, lúc căng thẳng giữa Mỹ-Venezuela ngày càng leo thang. Hồi tháng 8.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đang xem xét khả năng cô lập hoặc bao vây Venezuela.

Cùng tháng đó, các quan chức Mỹ nói với kênh Axios rằng ông Trump đã vài lần nêu ý tưởng dùng hải quân bao vây Venezuela trong 18 tháng.

Nhưng Mỹ cùng các quan chức tại khu vực đều phủ nhận thông tin trên. Đô đốc Faller cùng các chỉ huy quân sự Mỹ khác từ chối bình luận về bất kỳ kế hoạch nào liên quan viêc sẽ đối xử thế nào với Venezuela. Nhưng các vị chỉ huy này đều nói họ sẵn sàng giúp đỡ trong một kịch bản “ngày hôm sau” khi chế độ Maduro sụp đổ và người dân Venezuela cần sự hỗ trợ của nước ngoài.

Tổng thống Maduro gặp các chỉ huy quân sự Venezuela - Ảnh: Reuters

Hải quân Mỹ theo dõi buôn lậu ma túy từ Venezuela

Tại cuộc điều trần hôm 30.1, Đô đốc Faller cũng nói chiếc Detroit đã thu thập các tin tình báo về Venezuela. Câu giải trình này cũng gợi ý rằng chiếc tàu chiến đã theo dõi các hoạt động phi pháp trên không và trên biển ngày càng tăng.

Vào lúc kinh tế Venezuela bị suy yếu nghiêm trọng, luật pháp bị xem thường, nạn hải tặc và buôn người gia tăng ở vùng biển nằm giữa Venezuela với các đảo thuộc vùng biển Caribbean lên tới phía bắc, vốn cũng là những tuyến đường quen thuộc của bọn buôn lậu ma túy.

Quân đội Mỹ cũng theo dõi các chuyến máy bay chất đầy ma túy, cất cánh từ Venezuela với tần suất ngày càng tăng, chủ yếu là bay đến vùng Trung Mỹ.

Cảnh sát Honduras khám xét máy bay chở 450kg ma túy - Ảnh: Reuters

Theo Business Insider, các cánh du kích quân Colombia và các băng đảng tội phạm đứng sau những vụ buôn lậu này, nhưng Mỹ và các nước khác cáo buộc các quan chức chính phủ và quân đội Venezuela là những kẻ đồng lõa.

Hồi đầu năm 2019, các quan chức Mỹ từng nói với kênh CNN, rằng bọn buôn lậu đã chuyển điểm cất cánh từ các vùng hẻo lánh trong rừng ở miền nam Venezuela đến các vùng phát triển hơn ở phía tây bắc Venezuela, nhằm rút ngắn đường bay.

Một quan chức Mỹ còn nói với CNN về số chuyến bay chở ma túy rời khỏi Venezuela đã tăng lên, từ khoảng 2 chuyến/tuần hồi năm 2017 lên hầu như mỗi ngày đều có một chuyến trong năm 2018.

Tại cuộc điều trần, khi được hỏi nước nào trong khu vực giúp Mỹ chống buôn lậu ma túy, Đô đốc Faller chỉ ra Venezuela “là nước vi phạm tệ hại nhất, không phải là một quốc gia mà chúng tôi có thể hợp tác ngay lúc này”.

Ông còn nói: “Chúng tôi đang theo dõi Venezuela, nơi mà chế độ Maduro được hậu thuẫnbởi Cuba, Nga và Trung Quốc, và chúng tôi thấy nạn buôn lậu ma túy tăng cao dần lên, trên không và trên bộ từ Venezuela. Từ đó rất khó theo dõi khi ma túy được chở bằng máy bay tư nhân, tàu thủy tư nhân và các phương tiện chở hàng của Venezuela”.

Mỹ Trinh (theo Business Insider)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chiến Mỹ do thám Venezuela nhằm gây áp lực với chính quyền Maduro