Sau khi khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép, Trung Quốc nổi nóng tuyên bố kiên quyết phản đối hành động “đe dọa chủ quyền lãnh thổ”!

Tàu chiến Trung Quốc 'đối diện' với tàu chiến Mỹ chỉ vài chục mét trên biển Đông

03/10/2018, 06:23

Sau khi khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép, Trung Quốc nổi nóng tuyên bố kiên quyết phản đối hành động “đe dọa chủ quyền lãnh thổ”!

Khu trục hạm Decatur - Ảnh: Reuters

Sáng 2.10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này, và tình hình Biển Đông đang tiến triển tốt nhờ nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Phía Mỹ liên tục đưa tàu quân sự trái phép vào vùng nước gần các đảo Nam Hải, đe dọa nghiêm trọng an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Trung - Mỹ và gây hại nghiêm trọng cho an ninh và sự ổn định của khu vực”.

Bộ tuyên bố Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã cử một tàu chiến để ngăn và cảnh báo chiếc Decatur phải rời đi.

Theo người phát ngôn Charles Brown của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ hôm 1.10, chiếc Decatur hôm 30.9 đã phải đổi hướng để tránh va chạm với tàu khu trục lớp Lữ Dương của hải quân Trung Quốc vốn chỉ cách tàu chiến Mỹ vài chục mét.

Ông Brown gọi đó là một cách tiếp cận “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” của hải quân Trung Quốc: “Khu trục hạm Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41m và khu trục hạm Decatur đã đổi hướng để tránh va chạm".

Khu trục hạm Decatur mang tên lửa hành trình thuộc lớp Arleigh Burke, đã có cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn, đá Côlin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ, khi Washington đang xem nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh là sự hạn chế quyền tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược đang có sự hoạt động tất bật của hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và của các nước Đông Nam Á, theo Reuters.

Ông Brown nói thêm: “Chúng tôi thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, như đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Lực llượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, lưu thông tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ với kinh nghiệm 12 năm làm việc trên biển, cho biết việc tiếp xúc ở cự ly gần khiến hạm trưởng chỉ có vài giây để tiến hành đổi hướng. Ông khẳng định việc tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu chiến Mỹ chỉ chưa tới 900m là tình huống rất nguy hiểm.

Ông Schuster hiện là Giáo sư Đại học Hawaii Thái Bình Dương cho biết thêm: Trong những tình huống như vậy, hạm trưởng cần phải bẻ lái trong phút chốc và điều chỉnh tốc độ động cơ chính xác để giữ khoảng cách với đối phương, thậm chí một sai lầm nhỏ có thể dẫn tới đụng độ.

Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, và lo ngại chúng có thể được dùng để ngăn chặn hoạt động hàng hải.

Hoạt động của tàu chiến Decatur diễn ra vào lúc quan hệ Mỹ - Trung đặc biệt căng thẳng. Ngày 26.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ (sẽ tổ chức ngày 6.11 tới). Ông nói Bắc Kinh không muốn ông hoặc đảng Cộng hòa của ông đạt kết quả tốt, vì chính sách thương mại cứng rắn của ông.

Tuần rồi, máy bay B-52 của Không quân Mỹ đã tiến hành một sứ mệnh qua biển Hoa Đông và 2 chuyến bay khác của B-52 được tiến hành qua biển Đông. Hồi tháng 5, hai tàu chiến hải quân Mỹ cũng áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Các quan chức Mỹ nói với Reuters: Đấy là giai đoạn mới trong chiến dịch của Mỹ là ngày càng tăng sức ép lên Trung Quốc.

Trung Quốc đã cấm tàu tấn công đổ bộ Wasp của hải quân Mỹ thăm Hồng Kông trong tháng 10. Bắc Kinh cũng hủy các cuộc đối thoại quân sự với Mỹ, do chuyện Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bị Mỹ cấm vận vì mua chiến đấu cơ và tên lửa phòng không của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 1.10 nói ông không nghĩ quan hệ Mỹ - Trung trở nên tệ hại, một ngày sau khi Mỹ hủy chuyến đi Bắc Kinh của ông trong tháng 10, vì Trung Quốc dự tính chỉ cử một sĩ quan cấp thấp tiếp ông.

Reuters cho biết lẽ ra Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa thăm Mỹ vào cuối năm 2018, nhưng Bộ này nói có thể không có chuyến đi này.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chiến Trung Quốc 'đối diện' với tàu chiến Mỹ chỉ vài chục mét trên biển Đông