Một số nhà nghiên cứu hàng hải cho rằng số lượng lớn cá voi chết ngoài khơi bờ biển Anh là kết quả của việc tàu ngầm hoạt động tần suất cao tại Bắc Đại Tây Dương.

Tàu ngầm bị nghi là thủ phạm làm chết cá voi

Cẩm Bình | 13/09/2018, 19:14

Một số nhà nghiên cứu hàng hải cho rằng số lượng lớn cá voi chết ngoài khơi bờ biển Anh là kết quả của việc tàu ngầm hoạt động tần suất cao tại Bắc Đại Tây Dương.

Chỉ trong vòng một tháng đã có ít nhất 43 xác cá voi mõm khoằm Cuvier trôi dạt vào bờ biển 5 hòn đảo phía tây của Scottland. Như vậy, tỷ lệ tử vong của loài này tại các đảo Islay, Skye, Tiree, Mull và Ulva (thuộc quần đảo Hebrides) cao gấp 15 lần mức trung bình hằng năm.

Chính quyền đã bắt tay vào điều tra vụ việc. Một số chuyên gia nhà nước nghi ngờ giao thông hàng hải, đặc biệt là của phương tiện di chuyển dưới mặt biển, chính là nguyên nhân.

Theo nhà phân tích dữ liệu Mariel Ten Doeschate của Chương trình hỗ trợ động vật biển mắc cạn Scottland (SMASS, đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra): “Loài này đặc biệt nhạy cảm với sóng âm dưới nước vì chúng lặn sâu đến 3km”.

Tín hiệu sóng âm dưới nước của tàu ngầm hay hoạt động khảo sát địa chất có thể khiến cho cá voi đang lặn sợ hãi và muốn nhanh chóng nổi lên mặt nước. Kết quả là chúng phải trải nghiệm hội chứng giảm áp, hay còn gọi là “bệnh của thợ lặn”. Sự thay đổi từ mức áp suất này sang mức áp suất khác dẫn đến tình trạng các chất khí đã được bão hòa trong máu ở áp suất cao trở nên dư thừa và tạo ra các bọt khí trong lòng mạch và trong các tổ chức của cơ thể, làm cơ thể bị sốc, hô hấp gặp vấn đề.

Vùng ngoài của quần đảo Hebrides ghi nhận số cá voi mõm khoằm Cuvier chết cao bất thường - Ảnh: Bradt Travel Guides

Đội ngũ SMASS vẫn đang trong quá trình xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của cá voi. Nick Davison, nhân viên của SMASS, cho biết bờ biển Ireland cũng đã xuất hiện xác cá voi Cuvier.

“Đang xảy ra chuyện gì đó, và có lẽ xảy ra tại vùng thềm lục địa Ireland. Từng có sự kiện tương tự vào năm 2008 và mùa đông 2014-2015, nhưng số lượng cá voi chết nhiều như vậy thì chưa từng có”, theo ông Davidson.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trước đó có tuyên bố tàu ngầm Nga tăng cường hoạt động tại Bắc Đại Tây Dương. Một thời gian sau, đến lượt Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson đề cập đến sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Nga lẫn Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Anh lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

SMASS cho hay: “Nguyên nhân vẫn chưa rõ. Nhưng một trong những “nghi phạm” là sóng âm tầm trung. Sóng âm có thể gây ảnh hưởng đến cá voi. Chúng tôi đã liên hệ với quân đội, nhưng những gì đang diễn ra lại xảy ra ở vùng biển quốc tế, có thể liên quan đến nhiều lực lượng hải quân”.

Cẩm Bình (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
38 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu ngầm bị nghi là thủ phạm làm chết cá voi