Tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản đã đưa mẫu vật tiểu hành tinh vô cùng "quý giá" xuống Trái đất vào cuối tuần trước.
Cơ quan Thăm dò Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hôm 6.12 cho biết đã tìm thấy khoang tàu đựng mẫu bụi và đá từ tiểu hành tinh Ryugu ở vùng hẻo lánh xa xôi của Úc do tàu vũ trụ Hayabusa2 mang về sau một sứ mệnh kéo dài 6 năm.
Cụ thể, khoang tàu quý giá rơi xuống cách thủ phủ Adelaide (Úc) khoảng 500 km về phía tây bắc. Tàu Hayabusa2 của Nhật Bản kéo mẫu vật qua hàng triệu km sau khi nghiên cứu tiểu hành tinh Ryugu rộng 900 m ở khoảng cách gần từ tháng 6.2018 đến tháng 11.2019.
Được biết, tàu thăm dò Hayabusa2 nặng 690 kg được phóng lên từ trung tâm vũ trụ Tanegashima ở Nhật Bản vào tháng 12.2014. Phải mất 4 năm tàu này mới hạ cánh xuống được tiểu hành tinh Ryugu để lấy mẫu vật. Hayabusa2 đã quan sát chi tiết Ryugu và triển khai nhiều tàu thăm dò mini trên bề mặt tiểu hành tinh.
“Tàu thăm dò đã hạ cánh xuống tiểu hành tinh hai lần, và lần thứ hai nó tạo ra một miệng núi lửa nhân tạo và thu thập một số mảnh vỡ", Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa nói trong một cuộc họp báo ngày 6.12.
Tại phòng điều khiển của JAXA tại thành phố Sagamihara (Nhật Bản), toàn bộ nhân viên hò reo mừng rỡ khi khoang tàu thăm dò được nhìn thấy quay về trái đất.
Sau khi mang mẫu vật về Trái đất, các nhà khoa học ở những phòng thí nghiệm trang bị tiên tiến trên khắp thế giới có thể kiểm tra mẫu đá ngoài hành tinh chi tiết hơn nhiều so với quan sát trên Hayabusa2, hay từ tàu thăm dò.
Bên cạnh đó, độ tinh khiết của mẫu vật mang về cũng là một yếu tố quan trọng. Giới nghiên cứu đã tiếp cận nhiều thiên thạch, nhưng mẫu vật tiểu hành tinh loại này chịu ảnh hưởng đặc biệt từ hành trình của chúng qua khí quyển Trái đất và thời gian ở trên bề mặt Trái đất.
Các nhà khoa học tin rằng những tiểu hành tinh được hình thành từ thuở sơ khai của hệ mặt trời và có thể chứa vật chất hữu cơ giúp hé lộ nguồn gốc sự sống trên Trái đất.
Theo Cơ quan Thăm dò Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), các mẫu vật mà Hayabusa2 đưa về là những vật chất hình thành Trái đất, đại dương và sự sống tồn tại trong đám mây nguyên thủy mà từ đó, hệ Mặt trời ra đời. Trong hệ Mặt trời thuở sơ khai, các vật chất tiếp xúc và tương tác hóa học với thiên thể mẹ. Do đó đưa mẫu vật về để phân tích sẽ làm sáng tỏ nguồn gốc và quá trình tiến hóa của hệ Mặt trời cũng như các khối xây dựng sự sống.
"Tôi hy vọng điều này sẽ làm sáng tỏ cách hệ mặt trời được hình thành và cách nước được đưa đến Trái đất”, chủ tịch JAXA nhấn mạnh.