Các đại biểu quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế?

Thắc mắc về đề tài nghiên cứu KH-CN sử dụng tiền ngân sách

Hoài Lam | 07/06/2023, 11:22

Các đại biểu quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế?

Sáng 7.6, Quốc hội khóa 15 chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN).

Khó thống kê đề tài khoa học ứng dụng thực tế

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) nêu rõ vấn đề xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, vấn đề hóa chất, phân bón trong thời gian qua đã gây bức xúc tại nhiều địa phương trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các bộ ngành để xử lý chuyện này. Đại biểu Lan Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp cụ thể với các vấn đề nói trên.

Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay tổng lượng tro xỉ nhiệt điện tồn qua các năm là hơn 40 tỉ tấn, rất ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Thủ tướng đã giao Bộ KH-CN có giải pháp xử lý để hạn chế tối đa tác hại của tro xỉ tới môi trường và con người. Bộ KH-CN và các bộ ngành liên quan đã vào cuộc.

“Tro xỉ có nhiều ứng dụng, ví dụ để làm gạch không nung, khắc phục tình trạng phát thải tro xỉ vào môi trường. Tới đây sẽ có nghiên cứu các nguồn năng lượng mới để bù đắp phần thiếu hụt từ việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than”, Bộ trưởng Đạt nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng Đạt cho biết trong năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài đã được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cũng cho rằng thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đại biểu Trinh đề nghị Bộ trưởng KH-CN làm rõ trách nhiệm và có giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến KH-CN và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ KH-CN với tỷ lệ 0,64% GDP.

qh-2.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn

Theo Bộ trưởng Đạt, hoạt động KH-CN rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.

“Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo. Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng Đạt trả lời và cho biết sẽ có thống kê sau.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Vì sao thị trường KH-CN chưa phát triển

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho biết, để phát triển thị trường KH-CN, từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về KH-CN đã được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030.

Mặc dù vậy, thị trường KH-CN Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Do đó, đại biểu Thanh đề nghị Bộ trưởng KH-CN cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ KH-CN đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại biểu Thanh đề nghị bộ trưởng cho biết thời gian tới cần có cơ chế, chính sách như thế nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ KH-CN đã ban hành nhiều quy định, thông tư thúc đẩy chuyển giao KH-CN và mang lại nhiều kết quả, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các ngành y tế, viễn thông, giao thông vận tải... Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi ứng dụng.

Dù vậy, có một số chính sách chưa phát huy tác dụng, tiếp cận doanh nghiệp khó, dịch vụ đi kèm chưa hiệu quả, ngân sách hạn hẹp. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, đặc biệt thúc đẩy chương trình tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thụ công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

qh.jpg
Quốc hội khóa 15 chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ

Bộ trưởng Đạt cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Đạt cho biết bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

"Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thắc mắc về đề tài nghiên cứu KH-CN sử dụng tiền ngân sách