Lớp học về máy tính trực tuyến phổ biến nhất thế giới, CS50 của Đại học Harvard (Mỹ), đang được cải tiến theo xu hướng ChatGPT.

Lớp học về máy tính online phổ biến nhất thế giới đổi mới theo xu hướng ChatGPT

Sơn Vân | 03/06/2023, 10:50

Lớp học về máy tính trực tuyến phổ biến nhất thế giới, CS50 của Đại học Harvard (Mỹ), đang được cải tiến theo xu hướng ChatGPT.

CS50, lớp học giới thiệu về khoa học máy tính với sự tham gia của hàng trăm sinh viên trong khuôn viên trường và hơn 40.000 sinh viên trực tuyến, có kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chấm điểm bài tập, dạy lập trình và cá nhân hóa các mẹo học tập, theo Giáo sư David J. Malan.

Phong cách giảng dạy năng động và hấp dẫn của Giáo sư David J. Malan (46 tuổi) đã được công nhận là nguyên nhân biến những bài giảng cơ bản, khô khan về phát triển web và lập trình phần mềm thành lớp học thú vị với nhiều bài tập tương tác. Dù có hơn một trăm trợ giảng ngoài đời thực, David J. Malan nói rằng việc tương tác đầy đủ với số lượng ngày càng tăng các sinh viên đăng nhập từ các múi giờ khác nhau, có trình độ và kinh nghiệm khác nhau đã trở nên khó khăn.

David J. Malan cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với trang Bloomberg: “Việc cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho các câu hỏi cụ thể của sinh viên là thách thức trên quy mô lớn, với rất nhiều sinh viên trực tuyến hơn giảng viên”.

Đội ngũ của David J. Malan đang tinh chỉnh hệ thống AI để chấm điểm bài làm từ sinh viên và đang thử nghiệm một trợ giảng ảo để đánh giá, cung cấp phản hồi về chương trình của sinh viên. David J. Malan nói trợ giảng ảo đặt câu hỏi tu từ và đưa ra gợi ý để giúp sinh viên học, thay vì chỉ tìm lỗi và sửa các lỗi lập trình.

Trong dài hạn, ông kỳ vọng điều này sẽ giúp các trợ giảng có thêm thời gian làm việc trực tiếp tại văn phòng hoặc qua Zoom.

Nỗ lực này diễn ra vào thời điểm giới giảng viên ngày càng lo sợ rằng các công nghệ như ChatGPT có thể giúp nhiều sinh viên gian lận và đạo văn mà không bị phát hiện. Một số trường công lập và đại học trên khắp thế giới đã cấm chatbot miễn phí do công ty khởi nghiệp OpenAI tạo ra.

lop-hoc-may-tinh-online-pho-bien-nhat-the-gioi-duoc-cai-tien-theo-xu-huong-chatgpt.jpg
Giáo sư David J. Malan dạy trong đại dịch khi tất cả sinh viên đều phải học trực tuyến - Ảnh: Arturo Real/CS50

Sự bùng nổ của AI đã ảnh hưởng đến cổ phiếu các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến, gồm cả Chegg.

Chegg, công ty trợ giúp làm bài tập về nhà có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ), gần đây báo cáo tốc độ tăng trưởng số lượng đăng ký chậm lại khi nhiều người dùng sử dụng ChatGPT.

David J. Malan nói việc sử dụng AI của CS50 có thể làm nổi bật lợi ích của nó với giáo dục, đặc biệt là trong việc cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận học tập trực tuyến. Đây là ngành mà Grand View Research dự báo doanh thu sẽ tăng lên 348 tỉ USD vào năm 2030, gần gấp ba lần so với 2022. “AI có tiềm năng tác động lớn trong giáo dục”, David J. Malan nhấn mạnh.

Grand View Research là công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược có trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ.

CS50 ban đầu là một lớp học giới thiệu duy nhất về máy tính nhưng hiện đã phát triển thành nhiều lớp với 1,4 triệu người đăng ký trên kênh YouTube và các mặt hàng có thương hiệu như quả bóng căng thẳng, áo phông. Suốt những năm qua, hơn 4,7 triệu người đã đăng ký lớp học này. Hiện nó có sẵn trên nền tảng học tập kỹ thuật số edX, do Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts tạo ra, để cung cấp các khóa học cấp đại học trực tuyến về các chủ đề khác nhau.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyên nên thận trọng khi sử dụng AI khi công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển và dễ bị lỗi. Đầu tuần này, giám đốc điều hành các công ty AI hàng đầu, gồm cả OpenAI và DeepMind của Alphabet, cho biết AI có "nguy cơ gây diệt vong" loài người nếu không được quản lý hợp lý.

Những người khác cho biết việc sử dụng AI trong giáo dục cũng gây ra những rủi ro về đạo đức, đặc biệt là khi thu thập dữ liệu để cá nhân hóa các bài học.

Emma Taylor, nhà phân tích của công ty tư vấn GlobalData Plc (có trụ sở tại London, thủ đô Anh), nói: “Để đảm bảo quyền riêng tư của sinh viên, các nền tảng sẽ phải xây dựng quy định quyền riêng tư và đảm bảo việc thu thập dữ liệu minh bạch”.

Việc sử dụng công nghệ AI trong giáo dục đã trở thành vấn đề gây tranh cãi. Trong khi một số trường ở bang Texas (Mỹ) đã cấm học sinh/sinh viên sử dụng ChatGPT, những trường khác đang cố gắng tích hợp chatbot AI này vào quá trình giảng dạy.

Kể từ khi được OpenAI phát hành vào tháng 11.2022, ChatGPT đã trở thành hiện tượng internet, hỗ trợ nhiều học sinh/sinh viên viết văn, làm bài tập về nhà... Dù được nhiều người ca ngợi, ChatGPT vẫn là mối đe dọa với giới học thuật.

Nhiều trường đại học trên khắp thế giới đang cấm sử dụng ChatGPT. Một số thậm chí còn coi việc dùng chatbot của OpenAI là hành vi bất hợp pháp, có thể bị trừng phạt giống như đạo văn.

Ngay từ đầu tháng 12.2022, Học khu thống nhất Los Angeles đã đình chỉ quyền truy cập vào trang web ChatGPT. Kể từ tháng 1, các trường công lập ở thành phố New York (Mỹ), đại học khoa học hàng đầu Pháp, một số trường đại học ở Úc... đã cấm ChatGPT. Tất cả trường này đều đưa lý do cho lệnh cấm liên quan đến "đạo văn, gian lận".

Jenna Lyle, người phát ngôn của Sở Giáo dục thành phố New York, tuyên bố: “ChatGPT có thể tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh/sinh viên. Không có gì đảm bảo về tính an toàn và chính xác của nội dung mà ChatGPT tạo ra. Dù có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng nhưng ChatGPT không phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh/sinh viên”.

Sinh viên Đại học Trung văn Hồng Kông có thể bị đuổi học nếu bị phát hiện sử dụng các công cụ AI như ChatGPT không đúng cách hoặc không được phép trong học tập, theo hướng dẫn do trường này công bố. Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết sinh viên sẽ cần sự cho phép của giáo viên trước khi sử dụng ChatGPT cho các bài tập.

AI là con dao hai lưỡi. Chúng ta nên sử dụng nhưng không lạm dụng ChatGPT, dùng nó như công cụ nghiên cứu chứ không phải gian lận và quan trọng nhất là sử dụng AI để suy nghĩ cùng bạn chứ không phải cho bạn”, hướng dẫn nêu rõ.

Phản ứng của cộng đồng học thuật với ChatGPT không chỉ giới hạn ở các trường học. Nhiều tạp chí cũng đã thể hiện những ý tưởng tương tự.

Tạp chí Nature đã đăng bài viết vào đầu tháng 12.2022, thể hiện sự quan ngại về việc ChatGPT bị thu hẹp lại thành một công cụ cho học sinh viết bài luận. Một số tạp chí Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận các bài viết có dấu ấn của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ khác. Những người che giấu việc sử dụng ChatGPT sẽ bị từ chối hoặc rút lại bài viết.

Khi xem xét sự không ổn định của nội dung do ChatGPT tạo ra, một số giáo viên cho rằng chatbot này không thể hoàn thành các bài tập cấp cao. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn đánh liều trích dẫn nội dung do ChatGPT trả lời.

Theo cuộc khảo sát với 1.000 sinh viên đại học trên 18 tuổi ở Mỹ, có tới 89% số người được hỏi thừa nhận đã sử dụng ChatGPT khi hoàn thành bài tập về nhà.

Tất nhiên, không phải ai cũng phản đối việc thêm ChatGPT vào quy trình làm bài tập về nhà.

Bhaskar Vira, Phó chủ tịch phụ trách giáo dục của Đại học Cambridge (Anh), cho rằng AI là ông cụ để mọi người sử dụng và sẽ không khôn ngoan nếu trường đại học vô hiệu hóa các công cụ AI như ChatGPT. Quan điểm của Bhaskar Vira là các trường nên điều chỉnh quá trình giảng dạy và kiểm tra để đảm bảo rằng sinh viên duy trì tính toàn vẹn trong học tập khi sử dụng các công cụ AI tương tự. 

Nhà triết học nổi tiếng Slavoj Zizek ủng hộ mọi người sử dụng các công cụ AI khác nhau và hào hứng nói: Đừng vô hiệu hóa nó!

Sinh viên của tôi sử dụng AI để viết bài và tôi dùng AI để chấm điểm sau khi nộp bài. Bằng cách đó, tất cả chúng ta đều thoải mái và dễ dàng phải không?!”, ông nói.

Bài liên quan
CEO Nvidia: Những người không có chuyên môn về AI sẽ bị bỏ lại phía sau
Theo ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, các công ty và cá nhân nên tự làm quen với trí tuệ nhân tạo (AI) nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học về máy tính online phổ biến nhất thế giới đổi mới theo xu hướng ChatGPT