Sau 5 cuộc bầu cử làm tê liệt nền chính trị Israel trong gần 4 năm, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cuối cùng đã quay lại nắm quyền với một quốc hội nghị sĩ tôn giáo và nghị sĩ cực hữu có cùng quan điểm cứng rắn với người Palestine chiếm đa số.
Ông Netanyahu mất gần 2 tháng đàm phán vất vả cùng hàng loạt động thái pháp lý để đưa các đối tác của mình vào chính quyền, nắm giữ các vị trí quan trọng trong nội các như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tư pháp đều là đảng viên Likud (đảng của Thủ tướng Netanyahu). Các thành phần dân tộc chủ nghĩa và thiên về tôn giáo mà Thủ tướng Netanyahu phải liên kết để có thể nắm quyền sẽ nắm giữ một số chức vụ khác.
Chính quyền mới phải đối mặt với không ít thách thức.
Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quan ngại khi chính quyền mới của Israel có nhiều chính trị gia cứng rắn hơn, nhưng cho biết sẽ đánh giá qua chính sách chứ không phải qua nhân sự.
Vài dấu hiệu ban đầu khá bi quan. Một ngày trước khi nắm quyền, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây là ưu tiên hàng đầu. Washington lâu nay xem các khu định cư là trở ngại cho thỏa thuận hòa bình.
Thủ tướng Netanyahu cam kết bảo vệ quyền lợi nhóm thiểu số, tuy nhiên liên minh cầm quyền có thể khiến quan hệ đồng minh Israel - Mỹ gặp khủng hoảng nếu triển khai một số chính sách gây bất lợi cho người Palestine, cộng đồng LGBTQ và nhóm yếu thế. Nhiều nhân vật đứng đầu cộng đồng Do Thái tại Mỹ đã bày tỏ lo ngại về chính quyền mới của Israel cũng như về thái độ thù địch của thành viên chính quyền mới với dòng Do Thái giáo tự do tại Mỹ.
Palestine
Nhiều người Palestine chẳng quan tâm chính quyền mới. Đàm phán hòa bình đã đình trệ hơn 10 năm, chẳng chính quyền Israel nào thay đổi được tình hình.
Nhưng sự cam chịu vẫn có thể biến thành cơn tức giận nếu chính quyền mới đẩy mạnh hoạt động định cư hoặc sáp nhập Bờ Tây. Bạo lực ở Bờ Tây sẽ leo thang.
Thậm chí nếu chính quyền mới cả gan phá vỡ hiện trạng Đông Jerusalem - nơi có thánh địa nhạy cảm và quan trọng nhất của thành phố - bạo lực có thể lan rộng khắp Israel lẫn Dải Gaza như từng xảy ra năm 2021.
Quan chức an ninh
Quân đội, cảnh sát cùng vô số cơ quan an ninh có ảnh hưởng rất lớn và nhận được sự tôn trọng ở xã hội Israel. Thủ tướng Netanyahu trong quá khứ làm việc với người đứng đầu các cơ quan an ninh dưới trướng rất tốt, nhưng hai bổ nhiệm lần này làm dấy lo lắng: chính trị gia cực hữu Itamar Ben Gvir - người từng bị kết tội kích động, hỗ trợ một nhóm khủng bố Do Thái - lãnh đạo lực lượng cảnh sát, Bezalel Smotrich - người đứng đầu đảng cực hữu Religious Zionist - được trao quyền kiểm soát hoạt động tháo dỡ nhà ở của người Palestine ở các khu vực Israel muốn xây dựng khu định cư, quyền kiếm soát cung cấp nước sinh hoạt cho người Palestine.
Hai bổ nhiệm trên khiến quân đội liên hệ với Thủ tướng Netanyahu bày tỏ quan ngại, sau đó họ nhận được đảm bảo sẽ không có thay đổi chính sách cho đến khi quân đội nêu quan điểm.
Đối nội
Chính quyền mới dự định làm suy yếu quyền lực của tòa án tối cao, tăng trợ cấp cho sinh viên chủng viện Do Thái chính thống cực đoan không phục vụ quân đội hoặc đi làm, cho phép bệnh viện và doanh nghiệp phân biệt đối xử với người LGBTQ.
Thay đổi tư pháp - trao cho quốc hội đảo ngược phán quyết của tòa tối cao - tạo điều kiện bãi bỏ loạt cáo buộc tham nhũng nhắm vào Thủ tướng Netanyahu. Đề xuất thay đổi hứng chịu chỉ trích về xung đột lợi ích, làm dấy lên lo ngại hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực bị phá hoại.
Người dân đã xuống đường biểu bình. Lao động ngành công nghệ, phi công chiến đấu và nhà ngoại giao về hưu đồng loạt ký thư phản đối chính quyền mới. Làn sóng này dự kiến kéo dài.
Đảng Likud
Một số đảng viên Likud không hài lòng việc Thủ tướng Netanyahu nhượng bộ các đảng khác trong liên minh cầm quyền quá mức, khiến họ mất đi vài chức vụ nội các. Có người dám lên tiếng phàn nàn công khai.
Không có dấu hiệu nổi loạn sẽ xảy ra, nhưng những đảng viên Likud bất mãn có thể ngăn cản quá trình thông qua chính sách tại quốc hội của Thủ tướng Netanyahu.