Nhiều nền kinh tế châu Á có thể gặp khó khăn trong năm tới, nhưng một số nền kinh tế sẽ hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa điểm đầu tư thay vì chỉ tập trung thị trường Trung Quốc.

Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế châu Á năm 2023?

Cẩm Bình | 29/12/2022, 14:35

Nhiều nền kinh tế châu Á có thể gặp khó khăn trong năm tới, nhưng một số nền kinh tế sẽ hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa điểm đầu tư thay vì chỉ tập trung thị trường Trung Quốc.

Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á trải qua năm 2022 đầy thách thức. Kinh tế toàn cầu vốn được mong đợi phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Vậy mà cuộc chiến tại Ukraine, khó khăn liên tục trong chuỗi cung ứng, tình trạng phong tỏa chống dịch tái diễn tại Trung Quốc, lạm phát tăng vọt cùng nhiều vấn đề khác làm giảm triển vọng tăng trưởng cũng như khiến kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến các đồng tiền châu Á mất giá so với USD. Rắc rối về nợ của một số quốc gia vì vậy mà thêm trầm trọng, sức mua bị xói mòn buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất tương ứng để hỗ trợ nội tệ.

qbadklfz45ocniwrjcxlwmhviu.jpg
Nhiều nền kinh tế châu Á gặp khó khăn vì lạm phát - Ảnh: Reuters

ASEAN đối mặt với khó khăn

Chi phí nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu cùng nhiều hàng hóa khác tăng cao đã làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của một số quốc gia, gây nên khủng hoảng kinh tế.

Tại Nam Á, Sri Lanka và Pakistan phải nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và gặp khó khăn trong cán cân thanh toán.

Giới chuyên gia dự báo môi trường kinh tế năm 2023 tiếp tục đầy thách thức trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ở Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc đều u ám, điều kiện tài chính bị thắt chặt.

Ngân hàng Thế giới (WB), IMF cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều hạ dự báo tăng trưởng của châu Á. Nền kinh tế thiên về thương mại như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn.

Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero (Ngân hàng đầu tư Natixis) đánh giá tăng trưởng khu vực bị kéo xuống do nhu cầu bên ngoài suy yếu và điều kiện tiền tệ eo hẹp.

“Khi nhu cầu bên ngoài suy yếu, xuất khẩu bắt đầu sụt giảm. Chúng tôi dự báo tình hình suy yếu tiếp tục kéo dài sang năm tới”, theo nhà kinh tế Garcia-Herrero.

Nhà kinh tế Rajiv Biswas (công ty phân tích thị trường tài chính S&P Global Market Intelligence) có cùng quan điểm. Ông nhận định hoạt động xuất khẩu của các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng tăng vào năm 2023 vì kinh tế Mỹ và EU suy thoái, nhu cầu Trung Quốc còn yếu. Tuy nhiên một số nền kinh tế như Malaysia, Singapore, Thái Lan dự kiến tăng trưởng ở mức vừa phải nhờ nhu cầu nội địa tăng.

Trung Quốc hậu “Zero COVID”

Nền kinh tế lớn nhất châu Á nhiều khả năng tăng trưởng chậm trong năm 2023. ADB gần đây cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc từ 4,5% xuống 4,3%.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi loạt biện pháp chống dịch hà khắc cùng khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc cố thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cắt giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Tháng qua nước này bất ngờ từ bỏ “Zero COVID”, làm dấy lên hy vọng nhu cầu nội địa sẽ hồi phục.

Một số nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc du lịch như Thái Lan cũng có thể hưởng lợi. Theo nhà kinh tế Garcia-Herrero: “Khách Trung Quốc quay lại các nước ASEAN du lịch sẽ không nhiều như thời kỳ trước đại dịch, nhưng Trung Quốc mở cửa đem đến kỳ vọng lượng khách tăng lên”.

Nhà kinh tế Biswas nhận định: “Động lực tăng trưởng tại các nước có ngành du lịch quốc tế lớn - chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines - dự kiến tăng đáng kể”.

221227163112-china-economy-122422.jpg
Trung Quốc đã từ bỏ "Zero COVID" - Ảnh: CNN

Liệu Ấn Độ có thể vượt khó?

Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á cũng gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và thương mại toàn cầu giảm tốc. Giá dầu thô và khí đốt tăng cao góp phần làm xấu đi cán cân thương mại. Lạm phát tiêu dùng liên tục vượt quá mức mục tiêu 2 - 6% buộc ngân hàng trung ương Ấn Độ nhiều lần tăng lãi suất, đẩy chi phí đi vay lên mức trước đại dịch.

Theo nhà kinh tế Biswas: “Kinh tế Ấn được dự báo tăng 5,3% trong năm tài khóa 2023 - 2024, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn cùng nhu cầu bên ngoài yếu là lực cản với tăng trưởng”.

Nhà kinh tế Garcia-Herrero thì xác định năm tới điều kiện thanh khoản chặt chẽ hơn, xuất khẩu suy yếu, đà tăng trưởng giảm tốc khiến kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng 6,3% (năm 2022 dự kiến tăng trưởng 6,9%).

Làn sóng đa dạng hóa điểm đầu tư

Giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, các công ty sẽ tiếp tục đa dạng hóa điểm đầu tư thay vì chỉ tập trung thị trường Trung Quốc để tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng xảy ra trong năm nay. Một số quốc gia ASEAN có thể hưởng lợi.

“Dữ liệu cho thấy tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam năm 2022 gia tăng. Chúng tôi nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc dỡ bỏ loạt hạn chế chống dịch, thúc đẩy không chỉ dòng vốn mà cả nhu cầu lao động ở khu vực ASEAN và Ấn Độ”, nhà kinh tế Garcia-Herrero cho biết.

Bài liên quan
Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh và định hướng phát triển du lịch Vĩnh Long
Tối 16.11, tỉnh Vĩnh Long long trọng khai mạc "Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024". Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc hy vọng “những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời, không những tạo ra sản phẩm có giá trị mang nét đặc trưng văn hóa của vùng mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
44 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế châu Á năm 2023?