Thái Lan đã chọn bỏ phiếu trắng vì cuộc bỏ phiếu đang diễn ra trong “một bầu không khí cực kỳ bất ổn và đầy cảm xúc” làm giảm thiểu “cơ hội để ngoại giao thời khủng hoảng mang lại một giải pháp đàm phán hòa bình và thiết thực cho cuộc xung đột"

Thái Lan giải thích việc bỏ phiếu trắng tại LHQ trong vấn đề Nga sáp nhập 4 khu vực từ Ukraine

Tá Nhu | 13/10/2022, 22:12

Thái Lan đã chọn bỏ phiếu trắng vì cuộc bỏ phiếu đang diễn ra trong “một bầu không khí cực kỳ bất ổn và đầy cảm xúc” làm giảm thiểu “cơ hội để ngoại giao thời khủng hoảng mang lại một giải pháp đàm phán hòa bình và thiết thực cho cuộc xung đột"

Vào ngày 12.10 (rạng sáng 13.10 theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Nghị quyết ES-11/1.5 kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine thông qua các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng trước.

Theo thông cáo của ĐHĐ LHQ, kết quả bỏ phiếu về nghị quyết trên có 143 nước bỏ phiếu thuận; 5 quốc gia bỏ phiếu chống (gồm Nga, Syria, Nicaragua, CHDCND Triều Tiên và Belarus); trong khi 35 nước bỏ phiếu trắng.

Đáng chú ý trong số 35 nước bỏ phiếu trắng có tên Thái Lan. Không giống như hầu hết các quốc gia luôn bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu khác nhau của ĐHĐ LHQ liên quan đến cuộc chiến Ukraine, Bangkok đã từng bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết ES-11/1 của ĐHĐ LHQ vào ngày 2.3, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ các lực lượng khỏi Ukraine. Nhưng tại Nghị quyết ES-11/1.5, Thái Lan đã thay đổi quyết định khi bỏ phiếu trắng.

Trong một tuyên bố được công bố hôm nay, đại diện thường trực của Thái Lan tại LHQ, Suriya Chindawongse tái khẳng định rằng Thái Lan “tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế” và phản đối việc “chiếm đoạt vô cớ lãnh thổ của một quốc gia khác bằng vũ lực”. Đồng thời, Thái Lan đã chọn bỏ phiếu trắng vì cuộc bỏ phiếu đang diễn ra trong “một bầu không khí cực kỳ bất ổn và đầy cảm xúc” làm giảm thiểu “cơ hội để ngoại giao thời khủng hoảng mang lại một giải pháp đàm phán hòa bình và thiết thực cho cuộc xung đột có thể đẩy thế giới tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân và sự sụp đổ kinh tế toàn cầu”.

Tuyên bố nói thêm: “Chúng tôi thực sự lo ngại về việc gia tăng chính trị hóa các nguyên tắc quốc tế đã trở nên phản tác dụng như là phương tiện và hướng dẫn để kết thúc chiến tranh", đồng thời Thái Lan "lên án kích động sự không khoan nhượng và do đó làm giảm đáng kể cơ hội tham gia mang tính xây dựng".

Theo The Diplomat, nhìn bề ngoài, Thái Lan không mất mát nhiều trong quan hệ với Nga, nước không phải là đối tác kinh tế quan trọng, hay là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng.

Dù một số lượng lớn khách du lịch Nga đã đến thăm Thái Lan (khoảng 1,4 triệu vào năm 2019, trước đại dịch COVID-19) nhưng điều này có vẻ chưa đủ mạnh để thay đổi quan điểm của Thái Lan.

Theo giới quan sát, việc Thái Lan muốn củng cố quan hệ với Nga trong thời gian tới khiến Bangkok có những lựa chọn riêng.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 12.10 dẫn một nguồn tin an ninh cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của Thái Lan tới dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Bangkok vào tháng 11 tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cử đại diện thay ông dự hội nghị này, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa chính thức xác nhận tham dự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái Lan giải thích việc bỏ phiếu trắng tại LHQ trong vấn đề Nga sáp nhập 4 khu vực từ Ukraine