Phụ nữ được tiêm vắc xin COVID-19 của Moderna/Pfizer sẽ truyền kháng thể cho thai nhi; các nhà khoa học lập biểu đồ kháng thể trên sự gia tăng đột biến của vi rút. Đó là 2 nghiên cứu mới được công bố gần đây.
Phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin COVID-19 của Moderna/Pfizer truyền kháng thể cao cho trẻ sơ sinh
Nghiên cứu mới cho thấy phụ nữ mang thai tiêm vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA sẽ truyền được lượng kháng thể bảo vệ cao cho con. Các bác sĩ đã phân tích máu cuống rốn của 36 trẻ sơ sinh có mẹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna. Tất cả 36 trẻ sơ sinh đều có lượng kháng thể cao nhắm vào protein gai trên bề mặt của vi rút và tất cả các kháng thể này đều có được từ việc tiêm chủng của các bà mẹ.
Phát hiện được đăng hôm 22.9 trên Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ - Y học Thai nhi. Tiến sĩ Ashley Roman thuộc trung tâm y tế NYU Langone Health (thành phố New York, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu cho biết “các kháng thể mà người mẹ tạo ra nhờ vắc xin đi qua nhau thai và điều đó có khả năng mang lại lợi ích cho trẻ sau khi được sinh ra”.
Không rõ liệu thời điểm tiêm vắc xin COVID-19 trong quá trình thai kỳ có liên quan đến lượng kháng thể ở em bé hay không.
“Chúng tôi không biết những kháng thể đó tồn tại trong em bé được bao lâu. Thế nhưng sự hiện diện của những kháng thể này trong máu cuống rốn, tức máu của thai nhi, cho thấy em bé có khả năng nhận được lợi ích từ việc tiêm vắc xin của mẹ”, ông Ashley Roman nói.
Lập bản đồ các vị trí liên kết kháng thể trên protein gai
Theo một báo cáo được công bố hôm 23.9 cho thấy rằng một “bản đồ kháng thể” COVID-19 mới đang giúp các nhà nghiên cứu xác định các kháng thể có thể vô hiệu hóa coronavirus ngay cả sau khi nó đột biến.
Sử dụng hàng trăm kháng thể được thu thập từ những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 trên khắp thế giới, một nhóm nghiên cứu toàn cầu xác định chính xác vị trí mà mỗi kháng thể gắn vào protein gai trên bề mặt vi rút mà nó sử dụng để đột nhập vào tế bào và lây nhiễm lên chúng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm và phát hiện ra các kháng thể nhắm mục tiêu vào các vị trí gai rất quan trọng với vòng đời của vi rút, mà vi rút không thể hoạt động được nếu không có chúng. Những vị trí đó có khả năng vẫn là mục tiêu của vắc xin hoặc các phương pháp điều trị ngay cả khi vi rút đột biến.
“Nếu đang muốn làm ra một loại hỗn hợp kháng thể, bạn sẽ muốn có ít nhất một trong những kháng thể đó trong đó vì chúng có thể sẽ duy trì hiệu quả chống lại hầu hết các biến thể”, đồng tác giả Kathryn Hastie thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở California (Mỹ), cho biết.
Nhóm của cô ấy, được gọi là Hiệp hội Trị liệu Miễn dịch Coronavirus, đã tạo ra bản đồ và một thư viện được mã hóa bằng màu sắc của các kháng thể có sẵn trong cơ sở dữ liệu công cộng để các nhà khoa học khác có thể truy cập dữ liệu.
Hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson ổn định, tăng lên khi tiêm nhắc lại
Một nghiên cứu của Mỹ so sánh gần 400.000 người đã tiêm vắc xin loại một mũi của hãng Johnson & Johnson với 1,52 triệu người ở các độ tuổi, giới tính có các vấn đề sức khỏe tương tự chưa được tiêm chủng và nhận thấy rằng vắc xin này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và 81% ngăn ngừa các ca bệnh nhập viện.
Nghiên cứu này được Johnson & Johnson cho biết trong một báo cáo đăng trên medRxiv. Hãng dược Mỹ cũng cho biết không có bằng chứng về việc giảm hiệu quả trong suốt thời gian nghiên cứu từ tháng 3 đến cuối tháng 7, giai đoạn biến chủng Delta đang lây lan dữ dội.
Dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu riêng biệt cho thấy mũi tiêm thứ hai được chích khoảng 56 ngày sau mũi đầu tiên làm tăng hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson lên 94% ở Mỹ trong ngăn ngừa các ca bệnh từ trung bình đến nặng. Xem chi tiết tại đây.
Johnson & Johnson đã công bố những phát hiện mới nhất này vào ngày 21.9 khi một nửa số người trong cuộc nghiên cứu đã tiêm mũi vắc xin thứ hai ít nhất 36 ngày trước đó.
Các tác dụng phụ của liều thứ hai có thể so sánh với những tác dụng phụ đã thấy trong các nghiên cứu về mũi tiêm đầu tiên. Dữ liệu sẽ được đệ trình để công bố trong những tháng tới.