Trao đổi với PV về sự ảnh hưởng của kinh tế biển Việt Nam trong thảm họa cá chết hàng loạt, theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, tình hình đánh bắt, tiêu thụ hải sản giảm mạnh, du lịch biển của một số tỉnh rơi vào khó khăn vì lượng khách hết sức vắng vẻ.

Thảm họa cá chết khiến kinh tế biển bị ảnh hưởng nặng nề

DDVN | 20/05/2016, 06:08

Trao đổi với PV về sự ảnh hưởng của kinh tế biển Việt Nam trong thảm họa cá chết hàng loạt, theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, tình hình đánh bắt, tiêu thụ hải sản giảm mạnh, du lịch biển của một số tỉnh rơi vào khó khăn vì lượng khách hết sức vắng vẻ.

Còn gì là kinh tế biển!

Bắt đầu từ ngày 6.4, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), ngay sau đó lan ra các vùng biển thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thống kê sơ bộ đến ngày 25.4, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 10 tấn, Quảng Trị 30 tấn cá chết; đến ngày 29.4, số cá chết tại Quảng Bình lên tới hơn 100 tấn.

Vụ việc được đẩy đi xa hơn khi có thông tin 1 thợ lặn chết bất thường sau khi làm việc ở biển Vũng Áng cùng với 5 thợ lặn khác gặp vấn đề về sức khỏe. Cho đến nay, sau nhiều cuộc gặp gỡ, họp bàn và chỉ đạo của cơ quan chức năng thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân thực sự của tình trạng cá chết.

Tuy nhiên, cá chết mới chỉ là phần đầu của câu chuyện, hệ lụy sau đó khủng khiếp hơn so với sự hình dung của người dân. Dọc 4 tỉnh miền Trung có hàng vạn người mưu sinh bằng nghề đánh cá. Khi thảm họa xảy ra, người dân hoang mang và ngừng ăn cá biển, ngư dân vì thế đành gác lưới. Không đánh bắt cá, cuộc sống của ngư dân bị đe dọa bởi vay nợ và áp lực mưu sinh. Nhiều cơ sở chế biến, doanh nghiệp từ chối mua cá của ngư dân, thậm chí dù đánh bắt xa bờ. Không chỉ đánh bắt, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Mãi đến khi có sự vào cuộc chỉ đạo của những người có trách nhiệm và sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tình hình mới được đỡ đi phần nào. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP, 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước không khó đạt được. Tuy nhiên, nếu thảm họa cá chết tại miền Trung không được giải quyết triệt để thì chắc chắn kinh tế biển của nước ta sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Cần nhanh chóng công bố nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực ra mà nói, con số 50% GDP thì không phải năm2020 mới đạt được. Tuy nhiên, sự cố cá chết vừa qua không những hủy hoại hệ sinh thái ven biển mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của ngư dân, đến kinh tế biển của Việt Nam.

“Tình hình đánh bắt, tiêu thụ hải sản giảm mạnh, du lịch biển của một số tỉnh rơi vào khó khăn vì lượng khách hết sức vắng vẻ. Nguy hiểm hơn, đây đang là mùa cao điểm của du lịch biển, thiệt hại vì đó mà càng nặng nề hơn. Như vậy thì còn gì là kinh tế biển nữa?”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, mục tiêu đặt ra không chỉ là kinh tế biển tăng trưởng nhanh hơn, mà còn phải làm cho có chất lượng cao hơn. Suốt một tháng qua, chúng ta đã thấy rõ những tác hại ghê gớm của việc môi trường biển bị ô nhiễm. Nếu không sớm giải quyết thì tình trạng sẽ ngày càng chuyển biến xấu hơn. Không chỉ ngư dân bị ảnh hưởng mà rất nhiều ngành liên quan đến khai thác, sản xuất hải sản, du lịch, dịch vụ... đều bị ảnh hưởng theo.

“Dù chưa khẳng định rõ nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra khả năng cá chết do nhiễm độc tố hóa học bởi hoạt động của con người thải ra và do hiện tượng thủy triều đỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bác bỏ khả năng thủy triều đỏ. Do đó, vấn đề không chỉ là cá chết mà còn là sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường biển.

Việc gấp rút lúc này là cần nhanh chóng tìm ra và công bố nguyên nhân cá chết”, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ phân tích thêm. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng chia sẻ rằng, vụ việc cá chết hàng loạt có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân miền Trung cũng như kinh tế biển của Việt Nam. Chúng ta cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân nhưng cũng cần hết sức thận trọng, chắc chắn trong việc điều tra, tránh quy kết khi chưa có kết luận chính thức.

Bên cạnh đó, theo ông Thảo, hiện nay các cơ quan có trách nhiệm còn phải thúc đẩy công tác kiểm nghiệm, cấp giấy chứng nhận để giúp tiêu thụ hải sản an toàn do ngư dân đánh bắt ở xa bờ, hạn chế tối đa sự thiệt hại cho ngư dân.

“Ngoài ra, ở những vùng biển, nhất là các bãi tắm, du lịch cần phải xét nghiệm mẫu nước liên tục và công bố rộng rãi cho người dân. Nếu bãi tắm an toàn, cần thông tin đầy đủ để thu hút du lịch. Các cơ quan truyền thông cũng cần thận trọng và chính xác trong việc đưa tin, tránh gây hoang mang dư luận”, ông Thảo nhấn mạnh.

Trí Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảm họa cá chết khiến kinh tế biển bị ảnh hưởng nặng nề