Sáng 20.9, thẩm phán Laurel Beeler đã ngăn chặn lệnh yêu cầu Apple và Google xóa WeChat khỏi cửa hàng ứng dụng của Bộ Thương mại Mỹ, đáng ra có hiệu lực vào đêm cùng ngày.
Thẩm phán Tòa án Mỹ, Laurel Beeler ở San Francisco cho biết liên minh người dùng WeChat nộp đơn kiện “đã cho thấy những câu hỏi nghiêm trọng liên quan đến giá trị của khiếu nại về Tu chính án thứ nhất, sự cân bằng những khó khăn có lợi cho nguyên đơn”.
Hôm 18.9, Bộ Thương mại đã ban hành lệnh viện dẫn lý do an ninh quốc gia để loại WeChat của Tencent khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ và Bộ Tư pháp đề nghị Laurel Beeler không chặn lệnh này.
Bà Laurel Beeler cũng ngăn lệnh Bộ Thương mại cấm các giao dịch khác với WeChat ở Mỹ vì có thể làm giảm khả năng sử dụng trang web với người dùng hiện tại.
Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa ra bình luận về chuyện này.
Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ cho biết việc ngăn lệnh cấm sẽ “làm thất vọng và giảm quyết tâm của tổng thống về cách tốt nhất để giải quyết các mối đe dọa với an ninh quốc gia”. Thế nhưng, bà Laurel Beeler lý giải: "Trong khi bằng chứng chung về mối đe dọa với an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc (công nghệ và công nghệ di động) là đáng kể thì bằng chứng cụ thể về WeChat là rất khiêm tốn".
WeChat là một ứng dụng “di động tất cả trong một” kết hợp các dịch vụ tương tự như Facebook, WhatsApp, Instagram và Venmo. WeChat là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người ở Trung Quốc và có hơn 1 tỉ người dùng.
WeChat có trung bình 19 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Mỹ, công ty phân tích Apptopia cho biết vào đầu tháng 8. WeChat phổ biến đối với sinh viên Trung Quốc, người Mỹ sống ở Trung Quốc và một số người Mỹ có quan hệ cá nhân hoặc kinh doanh ở Trung Quốc.
Liên minh người dùng WeChat nộp đơn kiện chính quyền Trump ca ngợi phán quyết này "là một chiến thắng quan trọng và khó khăn cho hàng triệu người dùng WeChat ở Mỹ".
Ông Michael Bien, luật sư của liên minh người dùng WeChat, cho biết: “Mỹ chưa bao giờ đóng cửa một nền tảng truyền thông chính, kể cả trong thời chiến. Có những vấn đề nghiêm trọng của Tu chính án thứ nhất với lệnh cấm WeChat, nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Hoa".
Michael Bien nói thêm rằng lệnh "chà đạp lên Tu chính án đầu tiên của họ đảm bảo các quyền tự do phát biểu, thờ phượng, đọc và phản ứng với báo chí, tổ chức và liên kết cho nhiều mục đích".
Như vậy, sau TikTok, WeChat thoát hiểm phút chót song có lẽ mọi chuyện chưa dừng lại ở đây.
Hôm 19.9, Tổng thống Donald Trump bất ngờ bật đèn xanh cho thỏa thuận TikTok sẽ hợp tác với Oracle và Walmart để tiếp tục các hoạt động tại Mỹ. Ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Tôi đã ban phước lành cho thỏa thuận này. Nếu họ hoàn thành thì điều đó thật tuyệt vời, còn nếu họ không làm điều đó cũng tốt”.
Qua đó, ông chủ Nhà Trắng ủng hộ thỏa thuận giữa ByteDance, Oracle và Walmart tạo ra công ty mới có tên TikTok Global. Công ty này sẽ đảm nhận các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Theo ông Trump, TikTok Global sẽ được “kiểm soát hoàn toàn bởi Oracle và Walmart”.
Bộ Tài chính Mỹ thông báo: “Oracle sẽ chịu trách nhiệm về công nghệ và trách nhiệm bảo mật chính để bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng Mỹ. ByteDance, Oracle, Walmart cần đưa ra các tài liệu và điều kiện cần thiết để được phê duyệt bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ”.
Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ trì hoãn lệnh cấm tải xuống TikTok từ kho ứng dụng Google Play và Apple Store tại Mỹ thêm 1 tuần, đáng ra có hiệu lực từ đêm 20.9.
Theo Reuters, các cổ đông Mỹ dự kiến sẽ kiểm soát 53% cổ phần TikTok Global, trong đó Oracle nắm 12,5%. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nắm giữ 36% cổ phần.
Nhân Hoàng