Tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam – Nga chiều 6.4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Kết quả hợp tác còn khiêm tốn
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga đã trải qua hơn 70 năm hợp tác gắn bó. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
"Những kết quả hợp tác đạt được trong thời gian qua vẫn còn nhỏ bé, khiêm tốn so với tình hữu nghị, tiềm năng của hai nước. Lãnh đạo các bộ, ngành đã đề xuất nhiều nội dung, nhiệm vụ mới, dự án mới, ý tưởng mới, hết sức sáng tạo, nhằm hình thành "hệ sinh thái" hợp tác từ kinh tế, thương mại, hạ tầng, năng lượng đến giáo dục, đào tạo, văn hoá, nghiên cứu khoa học công nghệ", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cho biết, mặc dù những năm qua, kinh tế thế giới bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ tương đối cao và bền vững. Vì vậy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư các nước, trong đó có các doanh nghiệp Nga.
"Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện về môi trường đầu tư, hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trong nước, nước ngoài", Phó thủ tướng khẳng định.
Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Nga
Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko khẳng định Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Hoạt động kinh doanh giữa các DN Việt Nam và Nga đã được hưởng những lợi ích đáng kể từ Hiệp định. Nga và Việt Nam sẵn sàng thảo luận về các biện pháp mới để khai thác hiệu quả hơn nữa Hiệp định này.
Phó thủ tướng Nga cũng cho hay, Nga đang tập trung phát triển nền kinh tế mở, hỗ trợ DN tự do kinh doanh. DN Nga làm việc với các đối tác trên cơ sở tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng, trung thực và cởi mở trong công việc.
“Chính phủ Nga ưu tiên các hướng phát triển mới trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch và sẵn sàng chia sẻ các thành tựu, cũng như công nghệ trong các lĩnh vực này trong các dự án chung với Việt Nam; đồng thời nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong vận tải và logistics để thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước, đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài phát triển tại thị trường Nga”, ông Dmitry Chernyshenko khẳng định.
Khai thác hiệu quả tính bổ trợ của hai nền kinh tế
Tại phiên "bàn tròn kết nối" DN, các DN Việt Nam và Nga đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn và cởi mở về nhu cầu hợp tác, các định hướng quan trọng trong từng lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, để từ đó tạo tiền đề triển khai hiệu quả và thực chất các dự án hợp tác trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích, Nga và Việt Nam là hai nước đối tác truyền thống luôn kề vai sát cánh bên nhau trên con đường phát triển. Quan hệ song phương giữa hai nước đang phát triển nhanh, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực năng động và Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng, là trung tâm, cầu nối của Nga với khu vực ASEAN, cũng như châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, đầu tư của Nga vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, hạn chế. Cho đến nay, Nga mới có 171 dự án đầu tư tại Việt Nam. Số vốn đầu tư còn hiệu lực chỉ khoảng 970 triệu USD. Ở chiều ngược lại, tại Nga có 17 dự án của DN Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 1,63 tỉ USD.
"Bộ KH-ĐT cam kết đồng hành cùng các DN Nga để làm sao các bạn có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Đồng thời, mong muốn phía Nga tạo điều kiện và cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện cho các DN Việt Nam hoạt động hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề xuất, trong thời gian tới, DN hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất...
“Liên bang Nga là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Do đó, DN hai nước cần chủ động kết nối, trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại của hai nước để kết nối giao thương hiệu quả, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư cụ thể”, ông An nêu.