Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đang nhanh chóng tiến hành ngăn chặn sự lây lan SARS-CoV-2 trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh không có triệu chứng tại địa phương.
Động thái này dẫn đến hàng chục ngàn người phải xét nghiệm, hoãn hàng chục buổi hòa nhạc và triển lãm, đóng cửa một số địa điểm công cộng.
Hôm 8.3, Thượng Hải đã báo cáo 62 ca mắc COVID-19 không triệu chứng trong cộng đồng, tăng ngày thứ bảy liên tiếp. Đó là con số cao nhất ở thành phố 25 triệu dân kể từ khi Trung Quốc bắt đầu phân loại các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng riêng biệt với trường hợp có triệu chứng kể từ cuối tháng 3.2020.
Ngoài ra, Thượng Hải cũng ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 có triệu chứng tại địa phương hôm 8.3.
Trong số 65 ca mắc COVID-19 ở Thượng Hải, 64 trường hợp được phát hiện trong số những người bị cách ly. Họ tiếp xúc gần với những bệnh nhân COVID-19 được báo cáo trước đó.
Đợt bùng dịch COVID-19 phát mới nhất ở Thượng Hải là nhỏ so với nhiều thành phố lớn nước ngoài. Thượng Hải vẫn chưa áp đặt các biện pháp như ngăn chặn du lịch hoặc phong tỏa.
Nhiều thành phố Trung Quốc, gồm cả Thượng Hải, đã phát hiện Omicron trong số các ca mắc COVID-19 tại địa phương, nhưng tổng số ca nhiễm biến thể này trên toàn quốc vẫn chưa rõ ràng.
Dù không có dấu hiệu từ bỏ chính sách Zero COVID nhằm ngăn chặn dịch bùng phát càng nhanh càng tốt, Trung Quốc đã thông báo với các chính quyền địa phương trên toàn quốc giảm thiểu tác động từ các biện pháp chống COVID-19 với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Thế nhưng, một số điều bất tiện đã diễn ra ở Thượng Hải kể từ khi làn sóng dịch mới nhất xuất hiện vào đầu tháng 3.
Hàng chục khu nhà ở và văn phòng trong thành phố có các ca mắc COVID-19 và những người tiếp xúc gần với họ đã bị đóng cửa. Những người cư ngụ ở đó được yêu cầu phải trải qua đợt cách ly kéo dài tới 14 ngày.
Nhiều sự kiện giải trí, chẳng hạn như hòa nhạc, triển lãm và các buổi dạy kèm bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Thậm chí, một số nhóm khiêu vũ dành cho người đã nghỉ hưu, vốn là cảnh quen thuộc trong các công viên của Thương Hải, cũng được yêu cầu ngừng tụ tập.
"Thứ 6 vui vẻ của tôi đã mất rồi", một người dùng mạng xã hội Weibo viết, sau khi một số buổi biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Sân khấu Thượng Hải bị hủy bỏ.
Hôm 8.3, Trung Quốc đã ghi nhận 233 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 322 trường hợp không có triệu chứng trong cộng đồng.
Các nhà phân tích cho biết những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng này được tìm thấy ở hơn 40 thành phố, một sự lây lan không báo hiệu tốt cho sự phục hồi trong lĩnh vực bán lẻ, hàng không và du lịch.
"Do vi rút đã lây lan đến khoảng 20 tỉnh ở Trung Quốc và với xu hướng lây lan rộng hơn, tác động tiêu cực sẽ kéo dài trong một thời gian, không giống như dự báo trước đây của chúng tôi với sự phục hồi tiêu dùng đang dần ấm lên", theo Tang Jianwei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính của Ngân hàng Truyền thông.
Cũng trong ngày 8.3, Trung Quốc ghi nhận 104 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 77 trường hợp không có triệu chứng từ những du khách đến từ bên ngoài.
Trung Quốc không báo cáo thêm thêm người chết do COVID-19 nên con số vẫn giữ nguyên là 4.636.
Tính đến ngày 8.3, Trung Quốc ghi nhận 111.857 ca mắc COVID-19 có triệu chứng kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm cả trong nước và nhập cảnh.
Chính quyền Hồng Kông chọn thời điểm thích hợp để xét nghiệm toàn dân
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói việc xét nghiệm hàng loạt bắt buộc sẽ rất hữu ích nhưng cần phải được thực hiện vào thời điểm thích hợp, sau khi 7,4 triệu cư dân lo lắng về việc phong tỏa toàn thành phố.
Hôm 9.3, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã công bố một loạt các biện pháp nhắm vào những người cao tuổi khi sự gia tăng nhiễm SARS-CoV-2 quét qua các nhà chăm sóc với cái chết nhanh chóng ở đối tượng này, chủ yếu do chưa tiêm vắc xin.
Chính quyền Hồng Kông sẽ tăng cường điều trị y tế và các nguồn lực, đồng thời thiết lập thêm các cơ sở cách ly và chăm sóc tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 cao tuổi, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói trong một cuộc họp báo.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết ngày thực hiện kế hoạch xét nghiệm hàng loạt bắt buộc, đã gây ra sự hoảng loạn mua hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm ở Hồng Kông, vẫn đang được xem xét nhưng chính quyền chưa quyết định về khung thời gian do quy mô lớn của hoạt động này.
"Đây là một cuộc xét nghiệm lớn không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nếu không được chuẩn bị đầy đủ chi tiết và huy động mọi nguồn lực thì nó không thể thực hiện được", Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông khẳng định.
Bình luận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được đưa ra sau khi một quan chức hàng đầu Trung Quốc nói rằng Hồng Kông phải ưu tiên giảm thiểu ca mắc COVID-19, bệnh nặng và tử vong.
Số ca mắc COVID-19 ở Hồng Kông đã tăng lên mức cao kỷ lục, với tổng cộng 525.242 ca và hơn 2.578 người chết đến nay - hầu hết trong 2 tuần qua.
Hồng Kông chịu nhiều ca tử vong nhất do COVID-19 toàn cầu trên 1 triệu người trong tuần tính đến ngày 7.3, theo dữ liệu từ trang Our World in Data.
Phát biểu trước truyền thông lần đầu tiên trong hơn 2 tuần qua, Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà sẽ tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày để trình bày chi tiết về tiến trình của Hồng Kông chống lại COVID-19 và làm rõ những tin đồn hoặc hiểu lầm.
Cư dân Hồng Kông tỏ ra bối rối và thất vọng trước những thông điệp trái ngược nhau từ chính quyền trong 2 tuần qua về chiến dịch chống lại COVID-19, bao gồm cả kế hoạch xét nghiệm hàng loạt và liệu có áp dụng lệnh phong tỏa toàn thành phố hay không.
Trung Quốc và Hồng Kông là những nơi hiếm hoi vẫn áp dụng chiến lược Zero COVID.
Biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao đã thách thức chiến lược này và Hồng Kông đang phải gánh chịu hậu quả do tỷ lệ tiêm vắc xin tương đối thấp, đặc biệt là ở những người cao tuổi, khi vi rút lây lan qua cộng đồng.
Khoảng 90,5% người dân Hồng Kông từng tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 nhưng tỷ lệ người cao tuổi tụt hậu nghiêm trọng, chỉ khoảng 50% với nhóm từ 80 tuổi trở lên.
Các chuyên gia y tế từ Đại học Hồng Kông ước tính đến cuối tháng 4.2022, số ca mắc COVID-19 ở thành phố 7,4 triệu dân này có thể đến khoảng 4,3 triệu, với số người chết là 5.000.
Các bệnh viện, trung tâm cách ly và nhà tang lễ của Hồng Kông bị quá tải, còn giao thông công cộng, trung tâm thương mại, dịch vụ bưu điện, siêu thị và nhà thuốc đang gặp khó khăn trong hoạt động do tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Giá thực phẩm tăng vọt và các kệ hàng trong siêu thị luôn hết sạch đồ trong hơn 1 tuần qua do người dân lo lắng, tích trữ vì lo ngại về khả năng phong tỏa toàn Hồng Kông.