Ông Trương Phương Xa đã quá già để đi biển, nhưng từ ngày biển rầu lòng cá chết, ông bồn chồn ra mỏm cát Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) nhìn xa lắc mà buốt đau không thể tả. Nay biển như thất lạc trước làng, làng như thất lạc trước cát, cát như thất lạc với người, mọi thứ thất lạc nhau...

Thất lạc bên cát làng

Cu Làng Cát | 09/05/2016, 15:34

Ông Trương Phương Xa đã quá già để đi biển, nhưng từ ngày biển rầu lòng cá chết, ông bồn chồn ra mỏm cát Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) nhìn xa lắc mà buốt đau không thể tả. Nay biển như thất lạc trước làng, làng như thất lạc trước cát, cát như thất lạc với người, mọi thứ thất lạc nhau...

Mấy đứa cháu của ông người cũngdại khờ đi vì vắng búng cá biển. Dễ hơn cả tháng rồi không có mùi vị của biển gần bờ, con trai con gái, trẻ em phụ nữ, đờn ông trai tráng đều chênh vênh như thất lạc trên quê nhà.

Những đôi mắt, nhữngkhuôn mặt người làng biển cứ hướng ra biểnkể rằng họnhận các hỗ trợ từ cứu tế nhà nước, nhưng dài lâu không thể chìa tay ăn xin mãi được. Làm việc trên biển mỗi ngày là tự thân nuôi mình, nay biển gần phải ngồi lại, đáy biển hoang hóa thì nguồn lợi không thể sinh sôi. Hàng vạn hộ dân làng biển đều cần mưu sinh, cần lao động, nay đi trên cát như đi trên miền đất lạ nào đó.

Xa ở Quảng Trạch, thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, người anh hùng mù làng biển Nguyễn Xuân Mị từng sắm đài tàu incom để cứu ngư dân chạy bão, chạy giông lốc tố nay cứ bần thần vì không có ai. Vợ chồng anh Mỵ và những đứa con làng cát này mưu sinh từ nồi cháo của vợ anh. Chị Hoa vốn được người làng mỗi bữa biển về đều đến tặng ít cá biển nhằm trả công cho anh Mỵ hướng dẫn thông tin mỗi ngày. Nồi cá chị nấu bán mỗi bát 3.000 đồng ở làng nghèo khó, người dân trong xóm đến ăn ủng hộ, cả nhà chị mưu sinh từ nồi cháo đó. Giờ cá biển đã chết, nồi cháo ấy cũng thất lạc, anh Mỵ nói như thất lạc đâu đó chứ không phải làng cát của mình.

Cụ Trương Phương Xa nói lâu rồi không có cảm giác say bờ, nhưng cả tháng nay rời cái giường tre xuống đất, đặt chân xuống cát là say bờ, thất thểu, chênh vênh. Cơn tai biến đầu độc biển khiến cá chết, cả hệ sinh thái sụp đổ khiến cụ Xa không thể trả lời câu hỏi đơn giả nhất. Làng cát từng ủ ấm, nuôi sống cụ đi gần đến cuối chặng đường, nhưng nay cụ như thấy biển ly tán mà thất lạc trên chính mảnh làng của mình.

Trang sách của nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú từng viết về các ngư dân làng biển như thế này: "Ngư dân xưa như các nhà hàng hải về nghiên cứu biển, chỉ khác rằng họ áp dụng kinh nghiệm truyền đời, các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp khoa học”. Cái truyền đời ấy chính là trái tim, biển cả là hơi thở, biển cả là cuộc sống, biển cả là cốt cách lao động, biển cả là nhân cách con người, biển cả là khí phách làng biển. Nhưng như cụ Cố Đồng mấy bữa rày nói với tôi, biển giờ vẫn vỗ sóng mãi vậy nhưng nó đã từ giã làng biển rồi, sống trên làng mà như thất lạc ở đâu.

Những tiếng hát yêu làng biển hay đến da diết mà bây giờ cũng tìm chạy khỏi cát làng, khó ai có thể hát lên được giữa buổi thê thiết. Gặng mãi cụ Đồng mới có thế xướng ra từ vòm họng:

Mấy lâu nay Bắc Nam hai ngã
Thiếp gặp chàng hữu xạ nhiên hương
Muốn tạo thì đoàn hồ phu phụ
Hỏi bên dạ nàng có bằng không?
Dấm dứt đến đó, chai rượu trên tay lại dốc vào, cụ lại dấm dẳng:
Thiếp gặp chàng mới đầu trăng gió
Chữ chung tình gắn bó từng ni
Khấn với trần gian còn lẻ bạn
Biết lấy câu gì mà thành hôn.

Gia tài hát hò làng biển để định danh người làng với những xứ khác. Họ yêu nhau bằng đối đáp, nhưng đối đáp nào ngọt bằng sản vật lòng biển. Đến điệu hò cũng tìm cách trốn đi thì trai gái phía cát cũng ủ ê giữa biển làng bặt tăm tôm cá.

Đi qua các làng biển hôm nay, thấy người làng vỡ ra như cát, mong manh. Cát làng từng hạt vun thành vốc, từng vốc nối lại thành ụn cát, từng cụn cát nối lại thành rú cát, từng rú cát tạo thành đất làng biển. Nhưng nay biển như thất lạc trước làng, làng như thất lạc trước cát, cát như thất lạc với người, mọi thứ thất lạc nhau, anh em cũng thất lạc nhau trong tiếng nói, người nhà cũng thất lạc nhau trong câu hỏi, xóm làng cũng thất lạc nhau trong im lặng, làng này thất lạc với làng kia ở biên giới làng.

Những bạn thuyền vốn cố kết làm ăn trên biển, một con sóng to cả thuyền tụ lại vượt qua, nay thì ngư dân mỗi người một phía, lưới thất lạc thuyền, thuyền thất lạc biển, biển thất lạc cá, ngư dân thất lạc nhau. Con cá chết đi đến nay chưa ai trả lời được vì sao chết, linh hồn nó thất lạc khỏi làng cát mà làng lẻ bóng như dã tràng cô đơn. Bạn thuyền thất lạc nhau trong chén rượu, nhìn cát dày vô biên mà từng hạt lạc đi trong dâu bể cuộc đời. Người làng biển ở bên nhau mà vẫn thất lạc nhau bởi sinh khí làng dưới biển đã qua đời.

Từng đôi gióng thất lạc đòn gánh cá, từng tiếng rao "ai cá đây" thất lạc giữa mất hút, năng lượng cát làng cũng thất lạc lìa xa. Chái bếp vẫn đỏ lửa mỗi ngày, nhưng con cá thất lạc qua đời, lửa cũng buồn như đưa đám tang người thân. Làng biển giờ mềm ra, thấm đau từng ngày vào da thịt, cái bền dai hay cường tráng đang thất lạc nhau. Bữa giỗ tổ tiên khai canh giữa mùa hạ thất lạc món tôm cá dâng lên thành hoàng. Ngày cúng rằm thất lạc món biển dâng trời đất.

Bữa ăn thôi, ngư dân cha thất lạc ngư dân con, ngư dân vợ thất lạc ngư dân chồng, ngư dân con gái thất lạc ngư dân con trai, ngư dân bạn bè thất lạc ngư dân huynh đệ vì đại tang làng biển chưa dứt.

Cu Làng Cát

Ảnh:Làng cát thất lạc vô biên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thất lạc bên cát làng