Dự án làm đường thủy xuyên Á của tập đoàn Xuân Thiện gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận và cả ở giới chuyên gia cũng như phía cơ quan nhà nước. Nổi bật trong số các ý kiến ủng hộ là ý kiến của chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.
Sông Hồng cần phải được khai thác
Trước khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Nhận định của tôi có lẽ trái với nhiều ý kiến chuyên gia đã phát biểu. Tuy nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, còn làm hay không làm cần phải nghiên cứu thật kĩ lưỡng. Nếu có lợi thì làm, không có lợi thì dừng lại”.
Theo ông Thủy, trước hếtcần khảo sát kĩ xem hệ thống sông Hồng hiện đã khai thác được đến đâu? Còn tiềm năng hay không? Nếu sông Hồng là một dòng sông “chết”, chưa phát huy được lợi ích kinh tế như nó vốn có thì chúng ta buộc phải nghĩ cách để khai thác đó. Hiện nay không thể phát triểntự nhiên từ các dòng sông đượcmà phải có bàn tay con người tác động vào.
“Theo tôi, hệ thống sông Hồng hiện nay chưa được khai thác hết. Do đó, tôi cho rằng ý tưởng của tập đoàn Xuân Thiện muốn khai thác sông Hồng là ý tưởng tốt, có lợi cho nông nghiệp và vận tải. Tuy nhiên, làm như thế nào, khai thác như thế nào là câu chuyện khác, cần phải có nhiều bên vào cuộc để nghiên cứu thật kĩ”, ông Thủy nói.
Chuyên gia này cũng cho biết,trước kia, cảng Hà Nội khá sầm uất, có thể đạt 30.000-50.000 tấn, thậm chí 1 triệu tấn/năm nhưng bây giờ thì gần như chết rồi. Người ta đã biến cảng Hà Nội ngày xưa thành một cái nhà kho để cho thuê. Tàu du lịch thì cũng không đi được trên sông Hồng, ngoài khu vực sông Đà thì nhiều nhánh của sông Hồng chưa khai thác được cả về giao thông, thủy điện, thủy lợi.
Môi trường Hà Nội hiện đang bi đe dọa nặng nề bởi sông Hồng nhiều năm trơ đáy, có thể biến thành bãi rác của thành phố. Do đó, tác dụng của một dòng sông đi qua thành phố cũng đã bị hạn chếrất nhiều. Giao thông sông Hồng hiện nay gần như ngưng trệ, đó là một sự lãng phí rất lớn. Chi phí vận tải đường thủy thấp hơn nhiều, lại có thể vận chuyển những hàng siêu trường, siêu trọng so với các phương tiện khác.
“Chúng ta phải mạnh dạn tạo ra những dự án để khai thác tiềm năng của đất nước chứ ý tưởng nào đưa ra cũng lo, cũng sợ thì đất nước không phát triển được. Quan điểm của tôi là nếu chúng ta có một nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, hợp lý, tiếp cận với thực tiễn của sông Hồng thì vẫn có thể thực hiện dự án này một cách hiệu quả”, ông Thủy nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thủy khôngnhất trí với số lượng 6 đập thủy điện mà tạp đoàn Xuân Thiện nêu ra. Theo ông, như vậy là quá nhiều, chỉ 2-3 cái là "chấp nhận được".
“Việc làm đập thủy điện sẽ nâng mức nước của dòng sông lên, phục vụ nông nghiệp thì tôi cho rằng đó là điều tốt.Nếu không có đập thì nước sông cũng chảy ra biển hàng tỉ khối nước mỗi năm mà thôi”.
Kết luận, chuyên gia này cho rằng, nếu nghiên cứu kĩ dự án này và có sự tham gia của cơ quan chức năng thì có thể dự án sẽ cung cấp nước đều đặn cho các vùng nông nghiệp ở phía Bắc, tạo ra được tiềm năng khai thác vân tải giữa miễn núi và đồng bằng, đồng thời có thể thu về một lượng điện nào đó.
Nhiều chuyên gia khác phản đối
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT cho rằng, nếu dự án được hoàn thành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước và cuộc sống của hàng chục triệu dân vùng đồng bằng sông Hồng.
"Khi làm thủy điện thì sông Hồng mất phù sa, mất cát sỏi bồi đắp, mực nước sẽ hạ xuống, gây ra hiện tượng nhiễm mặn, nhất là tình hình hiện nay nước biển ngày càng dâng cao. Vùng nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng sẽ bị thiệt hai nặng nề, đe dọa an ninh lương thực quốc gia" - ông Hồng nói.
GS Vũ Trọng Hồng cũng cho biết, thủy điện không phải mục tiêu dự án, mà mục tiêu chính là giao thông thủyđể kết nối với Trung Quốc, giúp vận chuyển hàng hoá giữa Trung Quốc – Việt Nam thuận lợi hơn. Với mức phí công bố như chủ đầu tư đưa ra là quá cao, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vận tải, giá cả hàng hóa.
Còn theo GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, vị trí địa lý, địa hình của sông Hồng không phù hợp cho việc xây dựng đập. Nếu cứ xây dựng các đập như thế, chắc chắn sẽ gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Cũng trả lời báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, dự án cần phải có sự thẩm định kĩ lưỡng. Về phương diện kinh tế, dự án có mức đầu tư 1 tỉ USD thì công ty này phải đi vay 70% với lãi suất 4-9% trong vòng 20 năm thì rất khó thực hiện, trong khi nguồn thu của dự án là bán điện và thu phí vận chuyển đường thủy.
“Đây là dự án BOO nên khi xây dựng xong, họ sở hữu vận hành và thu tiền mãi, không bàn giao lại cho nhà nước thì sẽ ra sao? Đó cũng là điều mà các cơ quan bộ, ngành cần phải có thẩm định cụ thể trước khi cho phép nghiên cứu triển khai dự án”, ông Doanh nói.
Ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu cho rằng,chưa thấy bất cứ nước nào trên thế giới có chuyện này khi mới 200km làm tới 6 con đập. Chúng ta cũng đã làm một số đập trên các con sông và cũng đã phải trả giá rồi, phải rút ra bài học.
“Nếu dự án này được thông qua thì sẽ còn nhiều dự án khác được đề xuất trên các con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Điều này thật sự nguy hiểm. Dự án này buộc phải có sự tham gia đánh giá, phản biện của nhiều bên. Cần phải qua Quốc hội xem xét, dự án này phải đánh giá môi trường chiến lược chứ không thể xem thường được”, ông Tứ nóivới báo điện tử Một Thế Giới.
Theo ông, nội dung trong tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất bất hợp lý, ông cũng không hiểu vì sao một dự án thế này lại được trình lên Thủ tướng, các bộ lại còn đồng tình cao. Vấn đề kinh tế, kỹthuật của dự án này cũng đã lạrồi, còn vấn đề tâm linh nữa. Sông Hồng là con sông có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Một con sông quan trọng như thế chảy qua thủ đô mà làm đập thì rất khó hiểu.
Cơ quan chức năng đồng ý chủ trương
Tại văn bản 1646, ngày 26.2.2016, Bộ Công Thương cho rằng, đây là dự án đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thủy điện, thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) phù hợp chủ trương xã hội hóa của nhà nước. Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Cty Xuân Thiện tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề nghị phải nghiên cứu, đánh giá kỹ ảnh hưởng đến tài nguyên, khoáng sản, công trình hạ tầng... trên cơ sở hiện trạng và quy hoạch đã duyệt (trong đó có các dự án thủy điện trên các nhánh của sông Hồng); đồng thời, đề xuất các cơ chế đặc thù cần thiết khác đảm bảo dự án khả thi.
Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị trước đó đã có đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cũng đồng ý sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quản lý ngành (như bổ sung quy hoạch một số cảng chưa có trong quy hoạch) trong quá trình phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đồng ý với dự án và yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng đất, các biện pháp phòng chống sạt lở và các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trong vùng dự án.
Phía Bộ Công Thương cũng cho rằngđây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư của Nhà nước. Về việc kết hợp khai thác thuỷ điện tại các đập dâng trong dự án, Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Xuân Thiện Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành.
Cũng thống nhất về chủ trương và hình thức đầu tư dự án, Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT có thêmlưu ýkhi xây dựng đập dâng nước và âu tàu kết hợp nhà máy thủy điện tác động nhiều đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái sông Hồng, thủy lợi, tiêu thoát lũ... nên cần phải đánh giá tác động của dự án.
Ngoài ra, trong văn bản góp ý về dự án cải tạo sông Hồng, Bộ Quốc phòng cũng như các địa phương bị ảnh hưởng đều cơ bản đồng ý với chủ trương đầu tư dự án.
Trí Lâm