Trao đổi với TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, ông cho rằng bài học sâu sắc rút ra từ nhiều lần phải giải cứu nông sản ĐBSCL đó là vấn đề cung cầu và người nông dân thiếu thông tin thị trường nông sản.

Thấy gì từ những lần “giải cứu” nông sản ĐBSCL

Văn Kim Khanh | 20/02/2023, 05:00

Trao đổi với TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, ông cho rằng bài học sâu sắc rút ra từ nhiều lần phải giải cứu nông sản ĐBSCL đó là vấn đề cung cầu và người nông dân thiếu thông tin thị trường nông sản.

ong-nguyen-van-nao-cho-ban-co-so-thu-mua-2-tan-thanh-long-anh-thanh-phong.jpg
Vào quý 3/2021, thanh long gặp dịch bệnh COVID-19 phải cần được "giải cứu" - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng theo TS Võ Hữu Thoại, do thiếu thông tin thị trường nên nông dân chạy theo trồng quy mô những nông sản đang có giá cao. Việc này kéo theo nhiều nông dân tăng diện tích nông sản “thời thượng” một cách nhanh chóng. Hệ lụy của nó là khi nông sản thu hoạch, thị trường bị cung vượt cầu, giá rớt thê thảm. Cây cam sành hiện nay là một điển hình mới nhất. Vậy là những lời kêu giải cứu nông sản lại vang lên. Nông sản trái cây xuống đường với giá thấp chưa từng có.

Thật vậy, từ đầu tháng 2 đến nay, những lời kêu cứu, “giải cứu cam sành” vang lên từ mọi nẻo đường, vang lên trên báo chí. Nhà vườn không kêu làm sao được, giá cam sành trung bình 15.000-20.000 đồng/ký nay còn 1.000-2.000 đồng/ký.

z4122058735074_cae94c6e69c55cfcd5224d1b583e8cd3-1-.jpg
Trong tháng 2.2023 cam sành lại là mặt hàng phải " giải cứu" vì quá tải trong cung cầu - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo Cục trồng trọt khuyến cáo từ năm 2018, diện tích cam sành ĐBSCL đã có hơn 85.000ha, vùng này nên ổn định diện tích 88.000 ha. Hiện nay chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng ước tính có gần 100.000 ha. Cũng theo Cục trồng trọt, cam sành chỉ tiêu thụ trong nước không xuất khẩu được, vì vậy không nên phát triển ào ạt.

Tuy có khuyến cáo của ngành chức năng, nhưng nhiều năm qua cam sành đang là cây ăn trái hái ra tiền. Cam sành trên thị trường được giá nhiều năm. Giá cam thấp nhất 10.000 đồng/ký, cao nhất loại cam nhất tới 40.000 đồng/ký. Liên tục người trồng cam đều nếm trái ngọt. Một công cam (1.000m2) cây cam 3-5 năm tuổi, mỗi năm kiếm lời 50-70 triệu. Chưa hết, COVID-19 diễn ra trong thời gian 2020-2021, người ta cho rằng uống cam tươi tạo ra chất đề kháng hạn chế bệnh COVID-19 (?). Vậy là cam sành lên hương, bất chấp đại dịch. Dân ĐBSCL có thông lệ, hễ thấy cây gì trồng có trái bán được giá là ùn ùn kéo nhau phá ruộng phá rẫy trồng cây đó, bất chấp khuyến cáo. Hệ quả của cam sành rớt giá thê thảm có thể đoán được.

z4122028546508_5d7028b4e7877c0d332e5cd836988fde.jpg
Truyền thông vào cuộc giải cứu cam sành - Ảnh: Minh Trung

Tiêu biểu là tại huyện Trà Ôn, nơi được gọi là “Thủ phủ cam sành”, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết: “Theo kết quả khảo sát ở địa phương, tính đến nay toàn huyện Trà Ôn có diện tích trồng cam sành hơn 9.500 ha. Sản lượng cam sành của huyện hằng năm thu hoạch khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm”. Tại Vĩnh Long, nơi có gần 17.000ha đất trồng cam sành, mỗi năm tỉnh này cung cấp cho thị trường cả nước khoảng 1 triệu tấn cam sành. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, trong năm 2022, toàn tỉnh trồng mới hơn 2.000ha. Ngành nông nghiệp có quy hoạch diện tích cam của tỉnh, tuy nhiên, khi giá cam tăng liền các năm trước đây, nhiều nông dân đã lên liếp trồng cam bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Trong vòng 5 năm qua, ĐBSCL vang lên điệp khúc giải cứu nông sản. Khi thì giải cứu dưa hấu, giải cứu sầu riêng, giải cứu khoai lang, rồi giải cứu thanh long. Nay thì vang lên điệp khúc giải cứu cam sành.

Với dưa hấu, thanh long, khoai lang, những hàng này xuất đi Trung Quốc tiêu thụ, mỗi khi thương lái Trung Quốc không ăn hàng hay bị chính quyền các tỉnh Trung Quốc ngăn chặn do dịch bệnh không nhập hàng Việt Nam thì vang lên lời giải cứu.

thu-hoach-khoai-lang-o-binh-tan-quoc-anh.jpg
Vào quý 3/2021 khoai lang không xuất khẩu được, giá 1.000 đồng/ký phải giải cứu - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý có ý kiến: Trừ dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh hay một lý do chính đáng…không thể quanh năm đi giải cứu nông sản ĐBSCL mãi. Trong khi đó nông dân vẫn cứ phát triển nông nghiệp một cách tự phát và thiếu thông tin. Nông dân không thể thấy nông sản gì có giá là đua nhau trồng rồi khi khó khăn đầu ra lại kêu giải cứu.

Về vấn đề này, TS Võ Hữu Thoại - Viện nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam nên quy hoạch một số cây trồng chiến lược và khống chế diện tích canh tác nhất định. Diện tích quy hoạch canh tác nông sản này đủ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ở các nước, diện tích một số nông sản được quy hoạch và phát triển theo kế hoạch, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đảm bảo quyền lợi người canh tác nông sản đó. Chính vì thế, nhiều nông sản của nước ngoài không có chuyện giải cứu như ở ta.

Bộ Trưởng NN-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng có ý kiến cho rằng, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, trong đó ĐBSCL cũng phải chuyển biến và thích nghi. Muốn xoay chuyển nông nghiệp ĐBSCL là phải chuyển đổi số áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Lĩnh vực này có thể góp phần tăng sản lượng và chất lượng bằng cách thu thập và chia sẻ thông tin kịp thời và chính xác về thời tiết, đầu vào, thị trường và giá cả; bằng cách cung cấp thông tin vào các sáng kiến nghiên cứu và phát triển; bằng cách phổ biến kiến thức cho nông dân; bằng cách kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, và thông qua nhiều con đường khác để phát triển.

z4122053295068_7653228b703df53fc123cc38a7378745.jpg
Phải nâng cao chất lượng và kết nối thị trường nông sản - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Trường Đại học Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL gặp phải một số hạn chế chung như: Thiếu thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hộ sản xuất nhỏ chưa hội nhập tốt với thị trường do không có khả năng cung cấp kịp thời sản phẩm đồng bộ, có chất lượng và khối lượng lớn. Song song với nghiên cứu và phát triển hệ thống CNTT-TT hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chúng ta cần xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, để hạn chế những rủi ro cho nông nghiệp, nông dân.

Chỉ có chuyển đổi số về nông nghiệp, kết nối thông tin thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước với nông nghiệp, nông dân doanh nghiệp mới hạn chế những rủi ro, thiệt hại cho nông dân cũng như việc phải giải cứu nông sản hằng năm.

Nên chăng các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến những nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những loại nông sản có quy mô diện tích lớn nhu cam sành, thanh long, khoai lang, dừa rất cần chế biến xuất khẩu để chấm dứt những lời kêu “giải cứu nông sản” mỗi khi gặp khó về đầu ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ những lần “giải cứu” nông sản ĐBSCL