Cục Chăn nuôi đang khẩn trương lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến.

Công nghệ thông tin đóng vai trò lớn trong xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc

Hồ Đông | 17/02/2023, 12:02

Cục Chăn nuôi đang khẩn trương lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến.

to-yen.jpg
Các sản phẩm từ tổ yến là thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: Công ty cổ phần Thực phẩm và sức khỏe Việt

Như đã đưa tin, ngành yến Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, bởi nhu cầu tiêu thụ tổ yến đang tăng mạnh trên thế giới, mà Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. 

Tuy nhiên, để xuất khẩu được tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, cần phải hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu theo nghị định thư (về xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc) mà hai nước đã ký vào tháng 11 năm ngoái. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày ký và kéo dài 5 năm (tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm và đề nghị chấm dứt của một trong hai bên).

Nghị định thư  yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu; yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP)...

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã giao cho Cục Chăn nuôi xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu. Đồng thời, cần có chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan với Cục Thú y để cung cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hệ thống sẽ cập nhật dữ liệu liên tục, qua đó hình thành kênh giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp thông qua hệ thống cũng dễ dàng tiếp cận được các thông tin, quy định mới.

Cục Chăn nuôi đang khẩn trương lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến.

Việc sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến cũng đang được các địa phương và doanh nghiệp mong đợi để có thể sớm bắt tay vào xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Nhiều doanh nhân ngành yến bày tỏ mong muốn có thể xuất khẩu chính ngạch những lô hàng tổ yến sang Trung Quốc ngay trong năm nay.

TS Nguyễn Đức Trọng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng Bộ NN-PTNT cần kịp thời chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với FAO (Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ) và các doanh nghiệp triển khai hướng dẫn cho các địa phương, thống nhất về quản lý ngành yến.

Các doanh nghiệp chế biến chủ động xây dựng phần mềm cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản phẩm theo chuỗi, từ nuôi, vệ sinh thú y, kiểm soát dịch bệnh, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Phần mềm truy xuất nguồn gốc có thể tích hợp vào phần mềm về cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho quản lý ngành.

Trước đó, ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư, bà Trần Thị Thu Phương (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) cho biết  để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc thuận lợi, UBND các tỉnh thành cần quy hoạch vùng nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến; rà soát và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ NN-PTNT (do Cục Thú y phụ trách) để được hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm trên đàn chim yến tại địa phương; phối hợp với Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát tại các nhà yến thuộc chuỗi xuất khẩu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh cúm gia cầm...

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến tổ yến: Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm có thể truy xuất từ nhà nuôi chim yến đến sản phẩm xuất khẩu.

Các cơ sở phải tiến hành đăng ký nhà yến với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có mã số nhà yến; có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kèm theo danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp; phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc; chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ thông tin đóng vai trò lớn trong xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc