Ngày 2.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng thông tin về hai trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19 là ca bệnh số 524 và 475.
Bệnh nhân 524 (BN 524): L.T.D, nữ, 86 tuổi, quê Quảng Nam. Bệnh nền: suy tim, suy thận mạn tính.
Từ ngày 11 - 16.7, bệnh nhân vào điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, được chẩn đoán Zona thần kinh bội nhiễm và chuyển đến khoa cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày.
Từ ngày 18.7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và được chuyển điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình An. Ngày 27.7, bệnh nhân chuyển đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam.
Ngày 31.7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Ngày 31.7, bệnh nhân tỉnh lơ mơ và suy kiệt. Ngày 1.8, bệnh nhân tỉnh, vẫn còn mệt, song đến 18 giờ thì hôn mê, mạch chậm dần. 22 giờ bệnh nhân có mạch trở lại. 0 giờ ngày 2.8, bệnh nhân trở nặng ngừng tuần hoàn, hô hấp.
5 giờ 30 ngày 2.8, bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong: Choáng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy hô hấp cấp không hồi phục trên bệnh nhân suy đa tạng nhiễm COVID-19.
Bệnh nhân 475 (BN 475): Đ.T.L, nữ, 83 tuổi, quê Đà Nẵng, vào Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 12.7.2020.
Bệnh nền: Thoái hóa đa khớp nằm một chỗ 6 năm nay, phẫu thuật dạ dày.
Ngày 12.7.2020, bệnh nhân khởi bệnh với đau bụng, tiêu chảy nhiều lần được nhập điều trị khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 17.7.2020, bệnh nhân xuất hiện sốt. Ngày 30.7.2020, bệnh nhân được phát hiện dương tính SARS-COV-2 và chuyển cách ly. 4 giờ 30 ngày 2.8, bệnh nhân suy kiệt nặng. 4 giờ 45 ngày 2.8, bệnh nhân hôn mê sâu.
5 giờ 45 ngày 2.8, bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong: Hội chứng mạch vành cấp, viêm túi mật, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp và COVID-19.
Như vậy đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có 5 bệnh nhân COVID-19 tử vong do tuổi cao, nhiều bệnh lý nền nặng.
Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.
“Tôi lưu ý về nguy cơ cơn bão cytokine. Một số người khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan và làm giảm các chức năng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, đơn cử như bệnh nhân 91 ở TP.HCM giai đoạn trước”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Trong giai đoạn này, Tiểu ban Điều trị chưa ghi nhận một cách rõ ràng số người bệnh gặp “cơn bão cytokine”, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có một số bệnh nhân có những biểu hiện, dù chưa có sự thay đổi về dấu hiệu suy cơ quan cũng như đe doạ tính mạng.
Trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…
“Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Tin, ảnh: Dạ Thảo