Hôm 17.2, Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về lệnh cấm của Ấn Độ với các ứng dụng nước này vì lý do an ninh.

Thêm hơn 50 ứng dụng bị Ấn Độ cấm, Trung Quốc đòi được đối xử công bằng

Sơn Vân | 17/02/2022, 17:56

Hôm 17.2, Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về lệnh cấm của Ấn Độ với các ứng dụng nước này vì lý do an ninh.

Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng rằng Ấn Độ sẽ đối xử với tất cả nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, theo cách minh bạch, công bằng và không phân biệt đối xử.

"Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể thực hiện các biện pháp cụ thể để duy trì đà phát triển tốt của hợp tác kinh tế và thương mại song phương", Gao Feng, phát ngôn viên của Bộ Thương mại, nói trong cuộc họp báo.

Hôm 15.2, các nguồn tin chính phủ cho hãng tin Reuters biết Ấn Độ đã chặn quyền truy cập vào 54 ứng dụng di động, chủ yếu là của Trung Quốc, nhưng cũng bao gồm cả game Free Fire của tập đoàn Sea có trụ sở tại Singapore, do lo ngại về bảo mật.

Free Fire là game nổi tiếng thuộc thể loại bắn súng góc nhìn người thứ ba do 111dots Studio phát triển và Garena phát hành. Garena là công ty con của Sea.

Kể từ khi căng thẳng chính trị với Trung Quốc diễn ra vào năm 2020 sau một cuộc đụng độ của binh sĩ 2 nước ở biên giới, danh sách cấm của Ấn Độ, ban đầu có 59 ứng dụng Trung Quốc (bao gồm cả TikTok) đã mở rộng lên thành 321.

them-hon-50-ung-dung-bi-an-do-cam-trung-quoc-doi-duoc-doi-xu-cong-bang.jpg
Đã có 312 ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm từ giữa năm 2020 đến nay - Ảnh: Reuters

Ấn Độ tin rằng dữ liệu người dùng đã được gửi qua ứng dụng đến các máy chủ ở Trung Quốc, một trong những nguồn tin chính phủ nói với Reuters.

Nguồn tin cho biết: Việc thu thập như vậy sẽ cho phép khai thác, đối chiếu, phân tích và lập hồ sơ dữ liệu, có khả năng bị "các phần tử thù địch với chủ quyền, toàn vẹn của Ấn Độ nhắm đến các hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia".

Ấn Độ cấm vĩnh viễn TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc

Hôm 26.1.2021, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã đưa ra thông báo mới về việc thực hiện lệnh cấm vĩnh viễn với TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc khác.

Ngoài TikTok và WeChat, những ứng dụng Trung Quốc đáng chú ý bị Ấn Độ cấm vĩnh viễn có Baidu, UC Brower của Alibaba, Mi Community và Mi Video Call của Xiaomi, BIGO Live, SHAREit, Likee, Weibo.

Khi lần đầu tiên áp dụng lệnh cấm vào ngày 29.6.2020, chính phủ Ấn Độ đã cho 59 ứng dụng cơ hội để giải thích lập trường của họ về việc tuân thủ các yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật, theo tờ Times of India.

Các công ty, bao gồm cả TikTok của ByteDance, WeChat của Tencent Holdings và UC Browser của Alibaba, cũng được yêu cầu trả lời danh sách dài các câu hỏi.

Trong số đó có câu hỏi chất vấn việc các công ty Trung Quốc “truy cập dữ liệu trái phép” dẫn đến tình trạng gián điệp hoặc giám sát người dùng.

"Chính phủ không hài lòng với phản hồi/giải thích của các công ty này. Do đó, lệnh cấm với 59 ứng dụng này hiện có hiệu lực vĩnh viễn", tờ báo tài chính Livemint dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết.

Sea, công ty internet tiêu dùng mà gã khổng lồ game Trung Quốc - Tencent nắm giữ 18,7% cổ phần, hôm 15.2 cho biết họ tuân thủ luật pháp Ấn Độ và không chuyển hoặc lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào của người dùng nước này ở Trung Quốc.

Sea đã nói với các cổ đông rằng đang "cố vượt qua lệnh cấm”, theo một người đã tham dự cuộc họp đại hội đồng thường niên của công ty và từ chối nêu tên.

Các mối quan tâm của cổ đông đến sau sự sụt giảm 18,4% về cổ phiếu Sea niêm yết tại Mỹ hôm 14.2 vì thông tin Free Fire nằm trong danh sách các ứng dụng bị cấm của Ấn Độ.

Việc này đã xóa sổ hơn 16 tỉ USD giá trị thị trường của Sea, trong khi các công ty đầu tư, gồm cả ARK Invest của Giám đốc điều hành Cathie Wood, đã tận dụng sự sụt giảm này để kiếm được số cổ phiếu trị giá 19 triệu USD.

Lệnh cấm gây rắc rối cho Sea vì ứng dụng thương mại điện tử Shopee của họ đã phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay từ các thương nhân ở Ấn Độ, với cáo buộc nó có những hành vi gây tổn hại cho các nhà giao dịch ngoại tuyến.

Nhà phân tích Oshadhi Kumarasiri của công ty nghiên cứu LightStream Research cho biết: "Lệnh cấm Free Fire có thể gây ra hai điều tiêu cực cùng lúc cho Sea với lợi nhuận giải trí kỹ thuật số thấp hơn, hạn chế khả năng của Sea trong việc được ngân hàng tài trợ cho sự mở rộng của Shopee".

Ông cho biết lệnh cấm Free Fire có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ 78 triệu đến 104 triệu USD mỗi quý.

Liên đoàn các thương nhân Ấn Độ hôm 14.2 bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc Shopee vắng mặt trong danh sách cấm.

Hôm 15.2, cổ phiếu của Sea tăng khoảng 4% trong giao dịch trước giờ mở cửa.

Bài liên quan
Ấn Độ cấm vĩnh viễn TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc
Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã đưa ra thông báo mới về việc thực hiện lệnh cấm vĩnh viễn với TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc khác, truyền thông nước này đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản
6 giờ trước Sự kiện
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm hơn 50 ứng dụng bị Ấn Độ cấm, Trung Quốc đòi được đối xử công bằng