Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã đưa ra thông báo mới về việc thực hiện lệnh cấm vĩnh viễn với TikTok, WeChat và 57 ứng dụng Trung Quốc khác, truyền thông nước này đưa tin.
Ngoài TikTok và WeChat, những ứng dụng Trung Quốc đáng chú ý bị Ấn Độ cấm vĩnh viễn có Baidu, UC Brower của Alibaba, Mi Community và Mi Video Call của Xiaomi, BIGO Live, SHAREit, Likee, Weibo.
Khi lần đầu tiên áp dụng lệnh cấm vào ngày 29.6.2020, Chính phủ Ấn Độ đã cho 59 ứng dụng cơ hội để giải thích lập trường của họ về việc tuân thủ các yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật, theo tờ Times of India.
Các công ty, bao gồm cả TikTok của ByteDance, WeChat của Tencent Holdings và UC Browser của Alibaba, cũng được yêu cầu trả lời danh sách dài các câu hỏi, tờ Times of India cho biết.
Trong số đó có câu hỏi chất vấn việc các công ty Trung Quốc “truy cập dữ liệu trái phép” dẫn đến tình trạng gián điệp hoặc giám sát người dùng.
"Chính phủ không hài lòng với phản hồi/giải thích của các công ty này. Do đó, lệnh cấm với 59 ứng dụng này hiện có hiệu lực vĩnh viễn", tờ báo tài chính Livemint dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết.
Livemint nói các thông báo đã được ban hành vào tuần trước.
Một đại diện của TikTok nói với tờ Times of India rằng công ty đang đánh giá thông báo và sẽ trả lời khi thích hợp.
“Chúng tôi liên tục cố gắng tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương, cố gắng hết sức để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào mà chính phủ có thể có. Đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật của tất cả người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, đại diện TikTok nói.
Người phát ngôn của Xiaomi cho biết họ tuân thủ tất cả mệnh lệnh của Chính phủ Ấn Độ và sẽ tiếp tục làm như vậy cũng như tham gia với các bên liên quan tương tự.
Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ không đưa ra bình luận ngoài giờ làm việc bình thường.
Lệnh vào ngày 29.6.2020 của Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ tuyên bố rằng các ứng dụng này "phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh của nhà nước và trật tự công cộng".
Lệnh này đến sau cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước tại một khu vực biên giới trên dãy Himalaya đang tranh chấp khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó, tâm lý “tẩy chay Trung Quốc” đã lan rộng trên các phương tiện truyền thông xã hội của Ấn Độ khi mọi người đăng các video tàn phá các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Hôm 2.9.2020, Ấn Độ đã cấm 118 ứng dụng Trung Quốc khác, bao gồm game nổi tiếng PUBG của Tencent, khi tăng cường sức ép lên các công ty công nghệ Trung Quốc sau bế tắc ở biên giới.
Hôm 24.11.2020, Chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm 43 ứng dụng Trung Quốc theo mục 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin.
Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử đã ban hành lệnh chặn truy cập các ứng dụng này dựa trên báo cáo toàn diện nhận được từ Trung tâm Điều phối Tội phạm mạng Ấn Độ.
Website mua sắm nổi tiếng AliExpress nằm trong số 43 ứng dụng bị cấm, điều này giáng một đòn mạnh vào thương mại điện tử lớn Alibaba của Trung Quốc. Đây là một bước thụt lùi khác với Alibaba sau khi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỉ USD của Ant Group bị tạm dừng tại Trung Quốc.
Hôm 25.11.2020, Bắc Kinh nói rằng Ấn Độ đang vi phạm các nguyên tắc và quy tắc thị trường cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi cấm thêm 43 ứng dụng của Trung Quốc vì cáo buộc lo ngại về an ninh.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối việc phía Ấn Độ liên tục sử dụng 'an ninh quốc gia' như cái cớ để cấm một số ứng dụng di động có nền tảng tiếng Trung Quốc", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ - bà Ji Rong nói, đồng thời nhấn mạnh rằng "Trung Quốc và Ấn Độ là cơ hội phát triển của nhau hơn là những lời đe dọa”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các bước đi quyết liệt của nước láng giềng, kêu gọi điều chỉnh ngay lập tức “cách tiếp cận phân biệt đối xử và tránh gây thêm thiệt hại cho hợp tác song phương”.
Đầu năm 2020, New Delhi đã thay đổi chính sách đầu tư nước ngoài, theo đó các nhà đầu tư Trung Quốc cần sự chấp thuận trước khi có thể đầu tư vào các công ty Ấn Độ. Việc này làm giảm đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ.