Tân binh V-League 2023 Khánh Hòa FC đã để lại hình ảnh đẹp từ chuyên môn, phong cách cho đến tinh thần, ý chí thi đấu. Thế nhưng, đội bóng phố biển đang đối mặt với khó khăn khi nhà tài trợ chính xin rút lui...
Thông tin này được đưa ra khi V-League 2023 đã đi được 11/18 chặng đường (đối với nhóm 6 đội tranh trụ hạng) và 11/20 (đối với top 8 tranh chức vô địch). Có nghĩa là thông tin không vui này được công bố khi V-League đi hơn ½ đoạn đường và sẽ vô cùng khó khăn cho Khánh Hòa FC khi đội đang xếp vị trí 11/14 với 12 điểm. Tuy nhiên, 4 đội xếp từ vị trí thứ 5 đến thứ 8 là Viettel, Hải Phòng, Bình Định, Nam Định mới được 15 điểm, có nghĩa là Khánh Hòa FC chỉ kém vùng an toàn - không phải tranh trụ hạng – đúng một trận thắng, mà vòng 1 để xác định 2 nhóm tranh vô địch và trụ hạng chỉ còn 2 trận.
Ngày 12.6, Công ty Cổ phần Khánh Hòa Sport - đơn vị chủ quản Khánh Hòa FC đã có văn bản gửi chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan về việc xin giãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp. Lý do công ty đưa ra là đang gặp khó khăn về tài chính khi nhà tài trợ chính của Khánh Hòa FC đã xin dừng tài trợ.
Trong khi đó Khánh Hòa FC tham dự Giải bóng đá vô địch quốc gia V.League 2023 chủ yếu dựa trên các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Ngoài nhà tài trợ chính, công ty cũng nhận được sự đồng hành của vài doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nhất là sau đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy nhà tài trợ chính đã có công văn xin dừng tài trợ cho đội bóng (tháng 3.2023).
Đó là lý do khiến hoạt động của Khánh Hòa FC đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà đội bóng chưa tìm được thêm nhà tài trợ, nên nhiều khả năng không đủ kinh phí để tiếp tục duy trì các trận còn lại của mùa giải. Hiện nay, công ty còn nợ lương, thưởng các cầu thủ Khánh Hòa FC và các hoạt động khác với khoản nợ khoảng 18 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng có cam kết sẽ hoàn tất khoản nợ nói trên khi hoạt động kinh doanh tiến triển.
Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để Khánh Hòa FC duy trì hoạt động, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi.
Theo HLV Võ Đình Tân, hiện các cầu thủ đội bóng đang bị nợ 1/2 lương tháng 3 và tháng 4; các ngoại binh chưa nhận được phí chuyển nhượng, cầu thủ nội nhận được 1/3, nếu muốn thay cầu thủ thì phải thanh toán hết các khoản phí cho họ.
Âu lo về tài chính hoạt động từ đó tác động xấu đến chuyên môn của Khánh Hòa FC không khác mấy khi so với các CLB bóng đá đang thi đấu ở hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: V-League và Hạng nhất.
Sau Quảng Ninh giải thể ngay trước mùa bóng V-League 2022 do khó khăn tài chính, đến trước mùa Hạng nhất 2023 là Saigon FC và Cần Thơ FC nối gót Quảng Ninh. Trong khi đó ngay trước mùa V-League 2023, người hâm mộ nào cũng biết CLB TP.HCM, Đà Nẵng đều đối mặt với khó khăn tài chính nên chính sách chuyển nhượng cùng các khoản lương, thưởng, phí lót tay cũng hạn chế.
Chưa hết, cách đây một tháng, người hâm mộ cũng đã đón nhận thông tin: lãnh đạo Sông Lam Nghệ An FC do khó khăn tài chính nên thay đổi chế độ lương, thưởng, phí lót tay.
Trước đó vào đầu mùa, Topenland Bình Định, đại gia mới nổi với gói tài trợ 300 tỉ đồng/3 mùa trước mùa V-League 2021 đã kêu cứu lãnh đạo tỉnh Bình Định hỗ trợ tài chính, cho dù 2023 mới là mùa thứ 3, mùa cuối của gói tài trợ 3 năm.
Liệu những CLB đang đối mặt với khó khăn tài chính có còn tồn tại và sống khỏe ở V-League? Hay chấp nhận sống mệt mỏi, ngụp lặn ở V-League và chờ ngày xuống Hạng nhất? Thậm chí điều xấu nhất không ai mong muốn xảy ra, đó là có đội nào đó phải giải thể?
Không ai có thể nói trước. Nhưng rõ ràng tất cả các đội bóng đang bị ảnh hưởng từ cơn bão tài chính đều đang ở vị trí phải tranh trụ hạng là: Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, SLNA, thậm chí Bình Định cũng chưa chắc chắn vào Top 8 và vẫn còn khả năng xuống nhóm tranh trụ hạng nếu như không có thành tích đủ tốt ở hai lượt cuối của vòng 1.