Trong khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông thì các nước châu Âu giữ lập trường trung dung nhưng họ chưa hề có động thái tích cực nào với Qatar kể từ sau khi khối Ả Rập ra tuyên bố quay lưng với Doha hồi đầu tuần trước. Nhưng giờ thông điệp của Ý – một quốc gia nằm trong NATO và G7 đã cho thấy rõ Qatar không bị bỏ rơi trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại
Qatar đang trong vòng vây cấm vận của các nước Ả Rập láng giềng. Tuy nhiên, họ vẫn nhận được sự hợp tác của nhiều quốc gia có tiếng nói trong khu vực và quốc tế.
Ý và Qatar vừa đồng ý tiếp tục hợp tác kinh tế và tài chính chặt chẽ bất chấp việc Ả Rập Saudi, UAE và các nước Vùng Vịnh đã quyết định cắt giảm quan hệ ngoại giao, du lịch và thương mại với Qatar vào đầu tuần trước. Khối Ả Rập cáo buộc rằng Qatar đã hỗ trợ cho các nhóm khủng bố và quan hệ thân thiết với ‘kẻ thù’ Iran. Dù Qatar đã bác bỏ cáo buộc này nhưng cũng không làm nguội căng thẳng.
Thỏa thuận giữa Ý và Qatar được tiến hành sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi và Bộ trưởng Kinh tế Ý Pier Carlo Padoan tại Rome hôm thứ Hai 12.6. "Cuộc họp diễn ra trong một bầu không khí thân mật, phù hợp với tình hình chính trị và kinh tế tuyệt vời giữa hai nước", tuyên bố chung giữa 2 bên nêu rõ.
Chuyến thăm của ông Al-Emadi tới Ý là một phần của chuyến đi thăm châu Âu (sau đó sẽ đến Pháp, Đức, Anh) trước khi lên đường sang Washington. Giữa vòng vây của các nước Ả Rập, Qatar đã quyết định phá băng để khai thông các hoạt động thương mại. Việc ông Al Emadi gặt hái được kết quả tích cực tại Rome đã tạo tiền đề hứa hẹn những thành công ở Paris, London, Berlin.
Phải nói rằng trong khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông thì các nước châu Âu giữ lập trường trung dung nhưng họ chưa hề có động thái tích cực nào với Qatar kể từ sau khi khối Ả Rập ra tuyên bố quay lưng với Doha hồi đầu tuần trước.
Nhưng giờ thông điệp của Ý – một quốc gia nằm trong NATO và G7 đã cho thấy rõ Qatar không bị bỏ rơi trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu đích danh Qatar là nước tài trợ cho khủng bố. Ngày 9.6, Tổng thống Donald Trump nói ông quyết định “đã đến lúc phải yêu cầu Qatar kết thúc chuyện tài trợ và các tư tưởng cực đoan của họ”.
Ông Donald Trump khi đó khẳng định: “Chúng ta phải quyết định nên chọn con đường dễ dàng hay cuối cùng phải chọn một hành động cứng rắn nhưng cần thiết? Chúng ta phải ngăn chặn sự tài trợ cho khủng bố. Đáng tiếc Qatar luôn là nhà tài trợ cho khủng bố ở cấp cao nhất”.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia trong khối NATO cũng tuyên bố ủng hộ Qatar, yêu cầu chấm dứt chiến dịch bao vây Doha, thậm chí hậu thuẫn về quân sự giúp chính quyền bán đảo này.
A.T