Sản xuất tăng thế nhưng lượng thép nhập khẩu các loại từ các thị trường lại không giảm dù Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ . Trong tháng 4.2016, thép nhập khẩu các loại đã tăng 45,3% về lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ 2015.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2016, sản xuất sắt thép thô đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 18,4%, thép cán đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Thép thanh, thép góc có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 27,6% so với cùng kỳ 2015, đạt 1.534,2 nghìn tấn.
Mặc dù sản xuất tăng, thế nhưng lượngthép nhập khẩucác loại từ các thị trường lại không giảm. Cụ thể, chỉ trong tháng 4.2016, thép nhập khẩu các loại đã tăng 45,3% về lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ 2015. Tính gộp từ đầu năm, nhập khẩu thép các loại tăng tới 59,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lượng thép nhập khẩu vẫn tăng cao mặc cho Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Đáng chú ý, trong phiên tham vấn vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5.5, nhiều doanh nghiệp cũng đã đề xuất áp dụng hạn ngạch cho nhập khẩu phôi thép. Biện pháp này được đánh giá sẽ giảm thiểu tối đa lượng thép ngoại được đưa về Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nói rằng ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài vào, nhất là từ Trung Quốc. Sang tháng 3 và tháng 4 thị trường đã có sự phục hồi tích cực bởi Bộ Công Thương áp thuế thép nhập khẩu, thế nhưng do nhu cầu tăng, giá thép trong nước cũng gia tăng theo xu hướng tăng mạnh của thị trường thép thế giới.
Trước đó, ngày 22.3, Việt Nam đã chính thức áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu lần lượt là 23,3% và 14,2% theo quyết định 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Chính sách này áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày và được đánh giá là có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu. Đồng thời, mức thuế trên phần nào "cứu" doanh nghiệp thép trong nước giảm bớt áp lực cạnh tranh và khiến các sản phẩm thép nhập khẩu không còn “lộng hành” như trước.
Đến ngày 29.4, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Mức thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc tăng khá cao so với mức cũ, từ 4,64-6,87% lên 17,47-25,35%. Với Indonesia, mức thuế từ 3,07% tăng lên 13,03%. Đối với Malaysia, theo quyết định mới được giảm thuế từ mức 10,71% xuống còn 9,55% và Đài Loan giữ nguyên theo mức cũ 13,79-37,29%.
Mức thuế chống bán phá giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 14.5.2016 đến hết ngày 6.10.2019.
Như vậy, mức thuế dành cho doanh nghiệp của Indonesia, Trung Quốc tăng lên, mức thuế các doanh nghiệp Đài Loan được duy trì và chỉ có các doanh nghiệp của Malaysia được giảm thuế so với lần áp thuế trước.
Đợt trước, vào tháng 9.2014, Bộ Công thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 mm nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan và Malaysia.
Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp của Đài Loan bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 13,79-37,29%. Các doanh nghiệp của Indonesia bị áp mức thuế chống bán phá giá ở mức 3,07%. Các doanh nghiệp của Trung Quốc và Malaysia bị áp các mức thuế khác nhau từ 4,64-10,71%.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế cũng như thời gian áp thuế có thể thay đổi trong trường hợp rà soát, gia hạn theo quy định tại Pháp lệnh Chống bán phá giá.
Phan Diệu