Việt Nam đang ở trong một khoảng thời gian đầy thách thức khi hàng loạt các lĩnh vực kinh tế xã hội đều đang gặp vấn đề nghiêm trọng, từ ô nhiễm biển miền Trung đến việc thị trường bán lẻ và các ngành sản xuất trong nền kinh tế bị đe dọa nghiêm trọng.

Việt Nam đang thực sự đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư?

Nhàn Đàm | 10/05/2016, 10:41

Việt Nam đang ở trong một khoảng thời gian đầy thách thức khi hàng loạt các lĩnh vực kinh tế xã hội đều đang gặp vấn đề nghiêm trọng, từ ô nhiễm biển miền Trung đến việc thị trường bán lẻ và các ngành sản xuất trong nền kinh tế bị đe dọa nghiêm trọng.

Không hẹn mà gặp, các nguyên nhân gây ra những tình trạng bất ổn trên đều hội tụ về một điểm duy nhất: các dự án và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đó dĩ nhiên không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiênmà là kết quả tất yếu của chính sách thu hút FDI tràn lan và ồ ạt của chúng ta trong vài năm trở lại đây. Chúng ta đã có một quyết định đầy hớ hênh và thiếu thận trọng, và giờ là lúc chúng ta đang phải trả giá.

Với một người nhìn xa, thì những điều đang diễn ra trong nền kinh tế và xã hội Việt Nam những ngày qua là điều đã được dự đoán từ trước. Chẳng hạn như vấn đề ô nhiễm hiện nay ở các vùng biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Dù vẫn chưa có kết quả phân tích và kiểm tra cuối cùng về nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, nhưng khi các cơ quan chức năng đã loại trừ nguyên nhân do ảnh hưởng bởi các hiện tượng tự nhiên thì về logic nó chỉ có thể đến từ các hoạt động xả thải của con người. Và khi đó, mọi ánh mắt đều đổ về các khu công nghiệp FDIđang có tần suất tương đối lớn ở dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), có tới 80% các dự án đầu tư FDI vào Việt Nam có công nghệ trung bình và 14% là có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và có khả năng xả thải độc hại cao. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là cứ 100 dự án FDI vào Việt Nam thì có tới 95 dự án là thuộc dạng có tác động từ mức xấu đến cực xấu đối với môi trườngvà chỉ có 5 dự án là không thuộc diện ảnh hưởng xấu đến môi trường. Con số thống kê này đang có giá trị hơn mọi lời bào chữa, vì nó đang chỉ ra một thực tế hiển nhiên: chúng ta đang tự đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, dù là vô tình hay hữu ý.

Vì thế, những lời khẳng định được đưa ra sau nhiều cuộc họp của lãnh đạo chính phủ với các bộ ngành địa phương liên quan đến tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa qua, như: “không có chủ trương đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư”, hay “bây giờ là lúc không trải thảm đỏ để thu hút đầu tư bằng mọi giá để sau đó phải trả giá về môi trường”, hay “không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường”... cũng đang đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ buộc phải chấm dứt chính sách thu hút FDI ồ ạt và tràn lan bằng mọi giá của mình. Thậm chí, chúng ta sẽ phải đứng trước một quyết định khó khăn: loại bỏ 9/10 tổng số dự án FDI đang có ảnh hưởng xấu đến môi trường ra khỏi Việt Nam.

Về lý thuyết, đúng là vẫn có thể buộc các dự án FDI này phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường. Nhưng đó là điều gần như bất khả thi. Vì như đã thống kê, 80% các dự án FDI ở Việt Nam có công nghệ trung bình và 14% có công nghệ thấp, đòi hỏi các dự án có công nghệ thấp kém này tuân thủ các quy định về môi trường sẽ khiến việc lợi nhuận đầu tư kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và họ sẽ hoặc rời khỏi Việt Nam hoặc lén lút xả thải bất hợp pháp.

Câu trả lời cho quyết tâm “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường” mà chính phủ cùng các bộ ngành địa phương tuyên bố trên thực tế rất đơn giản và dễ hiểu: từ nay Việt Nam sẽ phải chọn lọc và chỉ chấp nhận cho các dự án đầu tư FDI công nghệ cao mà thôi. Về điểm này các bộ ngành địa phương có thể học tập Đà Nẵng, nơi các quan chức lãnh đạo đã từ chối hàng loạt các dự án FDI có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chấp nhận tốc độ tăng trưởng tương đối khiêm tốn.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trong một lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế: thị trường bán lẻ. Ở đây chúng ta cũng thấy bóng dáng của các nhà đầu tư nước ngoài trong vụ lộn xộn đang diễn ra trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề của thị trường bán lẻ,sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lộn xộn hiện nay cũng xuất phát từ việc thu hút đầu tư FDI ồ ạt và tràn lan của Việt Nam trong vài năm qua.

Nếu nhìn bề ngoài thì có lẽ sẽ chỉ nhận thấy việc một hệ thống siêu thị lớn là Big C rơi vào tay một tập đoàn Thái Lan là Central Group và trước đó một hệ thống Metro. Trên thực tế hai sự việc này không có gì bất thường, khi mà luật pháp quốc tế và Việt Nam cho phép các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) diễn ra. Cả hai vụ chuyển nhượng hai hệ thống siêu thị lớn này đều diễn ra đúng luật và không có gì thiếu minh bạch hay phạm pháp cả.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơnthì vấn đềlại khác hẳn. Trước hết, dù vô tình hay hữu ý, các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tay cho các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực bán lẻ cạnh tranh không lành mạnh với các DN bán lẻ trong nước, thậm chí còn là phạm pháp nữa. Sự tiếp tay đó là: các cơ quan chức năng đã bỏ lơ không sử dụng các quy định bảo hộ các DN bán lẻ trong nước một cách hợp pháp trước tình trạng cạnh tranh không lành mạnh (thậm chí là phạm pháp) của các DN bán lẻ nước ngoài. Chẳng hạn theo quy định các DN FDI mỗi khi muốn mở cơ sở bán lẻphải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó. Điều này có nghĩacác siêu thị lớn phải cách xa nhau một khoảng hợp lý, nhưng thực tế là có rất nhiều các cơ sở bán lẻ của DN nước ngoài mọc lên ngay cạnh các cơ sở của DN bán lẻ trong nước dù cơ sở của DN trong nước xây dựng trước.

Một ví dụ khác cho việc các DN bán lẻ nước ngoài phạm pháp một cách khá ngang nhiên là việc bán một số mặt hàng mà về quy định các DN nước ngoài không được phép, chẳng hạn như gạo, đường mía, thuốc lá, xì gà... Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thậm chí là vi phạm pháp luật của các DN bán lẻ với sự tiếp tay dù vô tình hay hữu ý của các cơ quan chức năng, đang là nguyên nhân khiến cho các DN bán lẻ trong nước cũng như các nhà sản xuất hàng hóa nội địa đang gặp phải bất lợi nghiêm trọng.

Trong cả hai trường hợpđang xem xét, hệ quả của việc buông lỏng trong cả việc thu hút các dự án đầu tư FDI lẫn quản lý các dự án này đều đang dẫn tới một hậu quả chung: chỉ có Việt Nam là người chịu thiệt. Trong vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung thì đối tượng bị thiệt hại là môi trường biển, đi kèmlà kinh tế biển như đánh bắt thủy hải sản và du lịch của nhiều tỉnh thành. Còn trong vụ thị trường bán lẻ, không ai khác ngoài các DN bán lẻ phải hứng chịu thiệt hại.

Có lẽ ngoài câu khẩu hiệu “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường” trong vụ cá chết ở miền Trung,cần phải có thêm một câu khẩu hiệu khác trong vụ thị trường bán lẻ: “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại các DN bán lẻ và nhà sản xuất trong nước”. Mô tuýp ấy có thể nhân rộng ra trong hầu hết các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, nơi các DN trong nước đang bị chèn ép và cạnh tranh thiếu lành mạnh bởi hầu hết các DN nước ngoài mà chúng ta đã tự trải thảm rước về trong vài năm qua.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Du khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất trong 3 tháng qua
Với hơn 1,2 triệu lượt khách, Hàn Quốc là thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất trong 3 tháng qua, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 10% so với cùng kỳ 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang thực sự đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư?