Việc tín dụng đổ vào bất động sản tăng cao khiến nhiều người lo ngại sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội, tính đến hết tháng 8.2019, tín dụng chảy vào bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích sử dụng) chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Về cơ cấu tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng), tín dụng tăng 14,58% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 32,7% dư nợ, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích sử dụng chiếm 68,3% dư nợ, tăng 19,6%. Tín dụng tiêu dùng cũng chiếm 20,68% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 13,92%, trong đó liên quan bất động sản (mua, thuê, thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở) chiếm 59,4% dư nợ cho vay tiêu dùng, tăng 19,51%.
Trong khi đó, số liệu mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ diễn ra hồi đầu tháng 10, tính đến ngày 4.10.2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỉ đồng. Như vậy, đối chiếu với số liệu, tổng dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản đã ở mức hơn 1,5 triệu tỉ đồng.
Việc tín dụng đổ vào bất động sản tăng cao khiến nhiều người lo ngại sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, bất ổn cho nền kinh tế. Nếu tín dụng vào bất động sản không được kiểm soát thì nguy cơ nhóm nợ xấu mới xuất hiện, đáng lo ngại.
Chưa kể, cho vay bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng do quy định pháp luật với thị trường còn nhiều bất cập, nhất là các quy định với những loại hình bất động sản mới (codotel, căn hộ văn phòng officetel...). Ngoài ra, đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội diễn ra ngày 22.10 của Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tín dụng bất động sản những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính.
Cụ thể, những năm trước, Chính phủ thống kê riêng tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản 1 mục và 1 mục là tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở... Thế nhưng, từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu tổng hợp 2 chỉ số này vào để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng bất động sản thấp.
Theo yêu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỉ đồng trở lên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Ở cấp của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ trên 1.500 tỉ đồng báo cáo để kiểm soát, bảo đảm sự chặt chẽ.
Phan Diệu