UBND TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định. Nguồn cung giảm, phân khúc nhà ở bình dân chưa đáp ứng nhu cầu thực.

Thị trường bất động sản TP.HCM hiếm nhà ở giá thấp

Hồ Đông | 16/11/2021, 15:45

UBND TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định. Nguồn cung giảm, phân khúc nhà ở bình dân chưa đáp ứng nhu cầu thực.

Nguồn cung hầu như không có

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố quý 3/2021. Theo UBND TP, trong quý 3/2021, thị trường bất động sản thành phố phát triển chậm hơn so với quý 2/2021 và chậm hơn so với cùng kỳ.

Do đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, TP trong giai đoạn giãn cách xã hội nên không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng; nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế và hầu như không có.

Nếu như quý 2/2021, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn hoạt động nhưng chậm lại, có xu hướng lệch về phía phân khúc nhà ở bình dân, thì đến quý 3/2021 hầu như không có giao dịch. Trong quý 3/2021, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 1 dự án, với tổng số 352 căn. Nguồn cung nhà ở này đã giảm 85,7% so với quý trước và giảm 87,5% về nguồn cung dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong quý này, tại TP.HCM không có dự án nào được cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để xây nhà ở, tức dự án đất nền. Thị trường tiếp tục “vắng bóng” nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

UBND TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định, nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.

toan-canh-tphcm-1.png
Lãnh đạo TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định - Ảnh: Hồ Đông

Hệ thống pháp luật vẫn còn bất cập

UBND TP.HCM cho biết hiện nay hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Điều này có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp, qua đó nhận diện một số trường hợp thường xảy ra như một căn hộ bán cho nhiều người, dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán...

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ, miễn giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu sự tác động của dịch COVID-19.

Đồng thời, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Mặt khác, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại.

Ngoài ra, cần ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo kinh doanh bất động sản minh bạch và lành mạnh.

Về số liệu tồn kho bất động sản, UBND TP.HCM cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt, có thị trường bất động sản rộng lớn với nhiều dự án nhà ở được đầu tư.

Trong lĩnh vực bất động sản, sản phẩm nhà ở đã hoàn thiện mà tồn kho mới đáng lo ngại. Bởi lẽ, một căn hộ hay dự án nếu không sử dụng mà để càng lâu sẽ càng xuống cấp, doanh nghiệp phải tốn chi phí quản lý, bảo dưỡng… còn tồn kho bất động sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng thì không đáng lo ngại.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, số liệu tồn kho bất động sản được tính từ thời điểm sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh nhưng chưa bán hoặc chưa bán được. Trên cơ sở này, Sở Xây dựng TP.HCM không có số liệu.

Bài liên quan
TP.HCM tổ chức nhiều chương trình khuyến mại lớn vào cuối năm để kích cầu sau đại dịch
Chương trình Khuyến mại tập trung “Shopping Season 2021" “Thỏa sức mua, đua sức sắm" là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại của TP.HCM trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường bất động sản TP.HCM hiếm nhà ở giá thấp