Bên cạnh tuyên truyền, Chính phủ cần có các chính sách tác động cụ thể để người dân cảm thấy có lợi một cách thực tế khi thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19.
Hôm qua, ngày 28.10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Có thể nói đây là một chủ trương đúng đắn, khoa học và kịp thời của Chính phủ. Trước hết, thanh toán điện tử thay cho tiền mặt đang là xu thế của thế giới trong kỷ nguyên internet vạn vật. Việc thanh toán điện tử không chỉ tiện lợi mà còn tránh được những rủi ro khi ôm lượng tiền mặt trong người. Ngoài ra, việc này còn giúp minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 khi các nhà khoa học khuyến cáo việc hạn chế tiếp xúc gần. Với hình thức thanh toán này, người tiêu dùng không phải lo cảnh cầm bình xịt sát khuẩn mỗi khi nhận tiền từ người khác…
Tại nước ta, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Thực ra, tại các thành phố ở nước ta thì việc thanh toán không dùng tiền mặt đã khá phổ biến. Người dân tham gia các sàn thương mại điện tử chủ yếu thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Việc trả tiền điện, nước, điện thoại… hay trả phí chung cư, tiền học hành cũng được trả qua tài khoản ngân hàng.
Theo chuyên gia Nguyễn Hạ Trường, giám đốc chiến lược một công ty cổ phần tài chính, người dân khi đã bắt đầu làm quen và sử dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt thì họ sẽ tiếp tục duy trì điều này như thói quen khó bỏ. Việc này rất tiện lợi khi tiết kiệm thời gian và chính xác. Không người bận rộn nào thích thú việc phải chờ nhân viên thu tiền đến bấm chuông trước cổng nhà để thu tiền điện nước hàng tháng hay phải nhận cuộc gọi lỡ của người thu tiền. Thay vào đó, khi thanh toán không tiền mặt, họ chỉ cần ung dung trả tiền đúng hẹn nhờ vài thao tác đơn giản trên điện thoại.
Vấn đề là số người có thói quen này ở Việt Nam chưa nhiều. Muốn tăng cường việc người dân thanh toán không tiền mặt thì một mặt phải tạo cho họ cảm giác yên tâm về công tác bảo mật, tức là không lo bị xâm phạm tài khoản trong ví điện tử. Và một biện pháp quan trọng khác là cho người dùng lợi ích thiết thực từ việc thanh toán không tiền mặt.
Việc này thực ra không có gì khó vì hiện giờ, các sàn thương mại, ví điện tử luôn có chính sách ưu đãi, chiết khấu, giảm giá để kích thích người tiêu dùng thanh toán bằng việc trả trước nhờ hệ thống liên kết ngân hàng thay vì thanh toán tiền mặt. Ví dụ: việc trả tiền điện có thể được giảm 20.000-50.000 qua các kênh này đã thu hút rất nhiều người hình thành thói quen thanh toán đơn giản và tiết kiệm. Nếu nhà nước có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp gắn bó với người dân như kinh doanh điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet… kích thích người tiêu dùng thanh toán điện tử thì sẽ đẩy mạnh được thói quen của người dân.
Khi ấy, hoàn toàn khả thi cho mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
Bên cạnh đó, cần mở rộng môi trường thanh toán không tiền mặt chứ không chỉ bó hẹp trong các chi phí cố định hằng tháng như điện nước.... Do vậy, mục tiêu tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm từ giờ đến 2025, là hợp lý.
Một khi cơ sở hạ tầng cho thanh toán điện tử được đảm bảo và có chính sách kích thích, thì sẽ hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%...
Trước mắt, việc khuyến khích thanh toán không tiền mặt càng có ý nghĩa trong thời gian đề cao cảnh giác phòng chống COVID-19, vừa phục hồi kinh tế. Về phòng chống COVID-19 thì thanh toán không tiền mặt sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp như đã nêu trên.
Còn ở khía cạnh phục hồi kinh tế, thì thói quen thanh toán không tiền mặt sẽ giúp kích thích văn hóa tiêu dùng rất lớn khi nhiều người dân vẫn chưa sẵn sàng ra chợ hay siêu thị vẫn có thể mua sắm bằng những cú click chuột trước máy tính ở nhà. Đã đến lúc chính phủ cần có thêm chính sách khuyến khích kích thích thanh toán không tiền mặt và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hình thành thói quen này.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”