Việc có quan hệ FTA với Mỹ sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn và đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Thị trường Mỹ sẽ giúp Việt Nam tự chủ hơn về kinh tế

Một Thế Giới | 02/03/2016, 06:08

Việc có quan hệ FTA với Mỹ sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn và đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Mỹ và Nhật Bản là những thị trường lớn nhất

Tại diễn đàn “Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 1.3 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: trong TPP, 2 thị trường mà Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Mỹ và Nhật Bản.

Cụ thể, thị trường Mỹ có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập hàng hóa trị giá khoảng 1.800 tỉ USD với đầy đủ các chủng loại, phẩm cấp khác nhau, có sức mua cao, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực (có 74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, tương đương 6 tỉ USD). Vào năm thứ 10, Mỹ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.
Thi truong My se giup Viet Nam tu chu hon ve kinh te-hinh-anh-1
 

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp VN sang thị trường các nước tham gia TPP đến năm 2020

Cũng theo ông Hải, từ năm 2007 đến nay Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ (chỉ 1%), trong đó thị phần xuất khẩu chiếm khoảng 1,3%. Hiện so với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ của VN thì Trung Quốc luôn chiếm thị phần lớn (dệt may chiếm 45%, giày dép 65%).

Sau Mỹ thì Nhật Bản là thị trường thương mại chiếm tỷ trọng đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong những năm qua, tuy có những bước tăng trưởng thương mại khả quan nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng thị trường này.

Kim ngach xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật vẫn chỉ chiếm thị phần vô cùng nhỏ bé, chưa đến 2%, trong đó thị phần xuất khẩu đạt khoảng 1,8%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc xuất sang Nhật.

Cụ thể hơn, nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam - Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của VN được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. 

Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Giúp cơ cấu lại thị trường XNK

Tại diễn đàn, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng việc có quan hệ FTA với Mỹ (và cùng với đó là EU, Liên minh kinh tế Á - Âu) sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (hiện đang dựa quá mạnh vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN).

Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Mỹ, Nhật Bản, Canada… trong khi doanh nghiệp của các nước cạnh tranh với Việt Nam do chưa có quan hệ FTA với Mỹ sẽ không được tham gia.

Theo số liệu của Mỹ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang hằng năm đã vào khoảng 10-12 tỉ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và là lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước trong khu vực chưa có quan hệ FTA với Mỹ. 

Dệt may, da giày được lợi nhất

Với hai thị trường tiềm năng nói trên, Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định rằng dệt may và da giày là 2 mặt hàng có khả năng được lợi nhất từ thị trường Mỹ.

Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), TPP dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỉ USD trước năm 2025. Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và 36 tỉ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may.

Theo cơ quan này, trong năm 2015 và 2016, mặc dù thuế nhập khẩu chưa giảm, nhưng việc đàm phán ký kết Hiệp định TPP cũng tạo động lực cho đầu tư sản xuất và thu hút đơn đặt hàng của nước ngoài, chủ yếu tập trung vào mặt hàng dệt may, giày dép, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước, ngay cả khi Hiệp định chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo của Việt Nam như như ngành dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử hầu hết là những ngành có tỷ lệ gia công cao, do vậy sản phẩm xuất khẩu chưa đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành và nền kinh tế.

“Nguyên do là các ngành chưa chủ động về vốn, kỹ thuật, công nghệ, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu. Việc chưa tự chủ về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu còn gây ra những khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ các FTA” – ông Trần Thanh Hải nói.

Trí Lâm

Bài liên quan
KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM cần tập trung vào phát triển kinh tế biển
Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM nên hướng đến phát triển kinh tế biển, trong đó có trục quan trọng kết nối 4 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường Mỹ sẽ giúp Việt Nam tự chủ hơn về kinh tế